Nguyễn Văn Chung đến với âm nhạc như một sự tình cờ. Anh bảo, người yêu đi lấy chồng, đau khổ quá, mượn âm nhạc để giãi bày tâm sự. Thế nhưng, đến nay, "đứa con đầu lòng" âm nhạc này vẫn chưa hề được công bố, vì anh muốn xem đây là một kỷ niệm đẹp, chỉ một mình Nguyễn Văn Chung biết, một mình Nguyễn Văn Chung hay. Ngoài ca khúc "Chiếc khăn gió ấm", Nguyễn Văn Chung còn có: "Đêm trăng tình yêu", "Vầng trăng khóc", "Con đường mưa", "Mộng thủy tinh,... Nhiều ca khúc của anh ngay khi mới ra đời đã đồng thời làm nên tên tuổi một số ca sĩ trẻ của nhạc Việt hiện nay.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
Từ trái tim sẽ đến được trái tim
Có phải anh là một nhạc sĩ khôn ngoan, "biết tỏng" nhu cầu âm nhạc của giới trẻ, ăn gì, nghe gì, nhìn gì?
Thật sự, từ khi bắt đầu viết nhạc cho đến tận bây giờ, tôi chỉ viết theo những gì mà mình cảm thấy hài lòng nhất và có nhiều hứng thú nhất. Chỉ khi có tâm trạng, cảm xúc thực sự thì sáng tác của tôi mới thành công. Tôi tâm niệm rằng, cảm xúc là yếu tố quan trọng nhất để đứa con của mình được sinh ra. Chứ tôi không đủ khôn ngoan đến mức nhận biết được công chúng đang cần nghe gì, nhìn gì đâu. (cười)
Tức là anh dự đoán được những ca khúc của mình sẽ nằm trong top bảng xếp hạng?
Như bạn thấy, tôi vẫn còn rất... trẻ. Chính vì thế, đa số những tác phẩm của tôi luôn bắt được nhịp thở cũng như tâm trạng của nhiều bạn trẻ, cả về tình yêu, hạnh phúc, tình bạn, ... Và họ tìm nghe Nguyễn Văn Chung. Việc một số ca khúc của tôi lọt vào top của các bảng xếp hạng cũng là một may mắn lớn, cùng với tất cả những nỗ lực của tôi.
Khi sáng tác, anh có bao giờ phải gò, phải uốn mình theo một xu thế nào để được lòng khán giả không?
Tôi chỉ "gò" ca khúc theo dòng nhạc, theo giai điệu cũng như phong cách âm nhạc của tôi mà thôi. Chứ gò theo xu thế, xu hướng để chỉ được lòng khán thính giả - nhất thời thì không bao giờ.
Câu nói này, tôi khá tâm đắc: "Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim". Những sáng tác của tôi bao giờ cũng xuất phát từ trái tim sau đó mới nhờ lý trí can thiệp. Kết quả là, chúng đến với khán thính giả bằng trái tim. Nên tôi vẫn sẽ giữ mãi nguyên tắc đó, như một bí kíp. Mặc dù, nghe thì rất đơn giản.
Không gò mình theo trào lưu
Nếu để ý, lộ trình sáng tác của anh có vẻ thay đổi khá nhiều, những bài hát ban đầu (tiết tấu và ca từ) dường như chịu ảnh hưởng rõ nét của nhạc Hoa. Sau đó là những ca khúc thuần Việt, hiện đại hơn, rồi có lúc những ca khúc của anh như ... viết riêng cho một ca sĩ (gắn liền, và thể hiện thành công ngay từ lần đầu tiên). Anh nghĩ sao về điều này?
Tôi xin cám ơn lời nhận xét tinh ý của bạn. Quả thật, trong suốt thời gian qua, tôi đã và đang rất cố gắng khắc phục, tự hoàn thiện mình, để tạo ra những nét riêng cho mình. Tôi phải thoát ra khỏi "gót chân Asin", để mọi người nhận xét rằng, Nguyễn Văn Chung không chịu ảnh hưởng của bất cứ dòng nhạc nào mà đó là những nét rất Nguyễn Văn Chung - của tôi (cười). Đó là mục tiêu tôi tự đặt ra cho bản thân. Tôi đang thực hiện nó mỗi ngày đấy!
Những sáng tác của anh, đa phần hướng đến lớp trẻ, trong đó có cả tuổi teen và thường được người yêu nhạc hát nghêu ngao một bài nào đó trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những ca khúc của anh có vẻ không được hot như dạo trước?
Từ lúc mới viết nhạc đến giờ, tôi chỉ mong mình viết ra được những ca khúc nói lên được tâm trạng của mình chứ không phải viết theo thị hiếu khán giả nên không thể lúc nào cũng có bài "hot" được. Nếu may mắn, trong thời gian xuất hiện bài hát đó, đa phần khán giả đang yêu thích thể loại đó thì bài hát trở nên "hot" và được mọi người truyền tai nhau nghe. Đó sẽ là một bất ngờ thú vị với tôi.
Chứ “hot” hay không, với tôi nó không có gì phải buồn, vì viết được một bài hát (mà mình thích) thì với tôi đã là một niềm vui rồi.
Nhạc trẻ, bấy lâu vẫn bị báo chí và những khán giả khó tính gắn mác “nhạc thị trường”. Là một người chuyên viết nhạc trẻ và có nhiều thành công trong dòng nhạc này, anh có phản đối ý kiến trên không?
Có lẽ do có khá nhiều bài hát gây sốc xuất hiện trong thời gian qua nên mọi người mới khó tính đến thế. Tôi chuyên viết nhạc trẻ, nhưng tôi không phản đối quan niệm này. Vì tôi nghĩ, càng ngày cần phải có nhiều người khó tính; nó càng tốt mà thôi. Như thế, những bài hát trước khi xuất xưởng, nhạc sĩ ai cũng phải cân nhắc hơn, kỹ lưỡng hơn và khó với mình hơn. Và chắc chắn những bài hát đó sẽ đạt được độ chín, chất lượng tốt hơn.
Chính vì thế, tôi cũng tự biết mình phải làm gì trong cơ chế âm nhạc hiện nay - để những bài hát của tôi không bị gắn với một cái mác (không mấy sang trọng) ấy.
Đơn đặt hàng, điều cấm kỵ
Là một nhạc sĩ trẻ, để sống được trong cơ chế hiện nay, anh ta hoặc chị ta rất biết hái ra tiền từ đơn đặt hàng, từ tác quyền bài hát, ... Điều này, khác với các nhạc sĩ thế hệ trước, là họ thường sống trong thiếu thốn, thậm chí nghèo đói. Theo anh, những lợi nhuận của nghề nhạc sĩ, liệu có làm cho chất lượng âm nhạc, hay cá tính nghệ sĩ biến thiên không?
Tôi không có khả năng phán xét ai đúng, ai sai, tôi chỉ làm theo quan điểm của riêng mình, cố gắng dung hòa mọi thứ. Cái đó là tùy vào nhận thức và quan điểm làm việc của mỗi người thôi. Một số nhạc sĩ rất coi trọng vào chất lượng - nghệ thuật và họ không màng tới phần lợi nhuận nhưng cũng có một số người chạy theo lợi nhuận và thị hiếu của đám đông mà xem nhẹ phần chất lượng - nghệ thuật.
Quan sát, thường thấy ca sĩ khi không còn trẻ nữa, hay khi đã già với nghề, rất nhiều trở thành nhạc sĩ, chứ nhạc sĩ rất ít khi mộng ... làm ca sĩ. Tại sao anh nói mình "chưa" có ý định trở thành ca sĩ chứ không phải "không" muốn trở thành ca sĩ? Điều này rất khác với sự thông thường?
Tôi nghĩ rằng ẩn sâu trong mỗi người chúng ta đều có ít nhất một lần ước mơ được đứng trên một sân khấu hoành tráng, dưới ánh đèn lung linh, và cất tiếng hát cho hàng ngàn người nghe, đắm chìm trong tiếng nhạc và sự cổ vũ của đám đông cuồng nhiệt, ... Bạn cũng vậy và tôi cũng vậy!
Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng có đủ năng lực và tố chất để thực hiện được điều đó. Tôi tự biết bản thân mình không thể hát và biểu diễn hay như các ca sĩ chuyên nghiệp nên đành phải thú nhận rằng "chưa có ý định trở thành ca sĩ".
Những nhạc sĩ gạo cội thế hệ trước thường né tránh việc viết theo đơn đặt hàng và xem đó như điều cấm kỵ, nhưng nhạc sĩ trẻ hiện nay thì ngược lại. Thậm chí, họ còn dám công khai, rằng mình đang nhộn nhịp với vụ mùa - đơn hàng ... Anh có thể chia sẻ cảm xúc khi nhận được ... đơn hàng?
Từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ viết theo đơn đặt hàng nào cả. Và tôi cũng xem đó là điều cấm kỵ. Tôi chỉ thích viết nhạc một cách tự nhiên nhất, bản năng nhất, vì khi đó, cảm giác mình đặt cả tâm trí và cảm xúc vào bài hát thật sự rất thú vị. Mọi thứ cứ trôi như một dòng nước, nhẹ nhàng, không áp lực, không chi phối bởi một áp lực nào. Sau đó, khi viết xong bài nhạc, tôi nghe đi nghe lại, xem nó phù hợp với chất giọng ai nhất để chủ động a-lô cho ca sĩ đó.
Cảm xúc của tôi khi nhận được đơn đặt hàng à? Cũng vui, nhưng rồi tôi cũng biết từ chối khéo léo bằng quan điểm và lý lẽ chính đáng của mình. Cũng may là chưa thấy bạn ca sĩ nào phật lòng vì điều này cả (cười).
Đam mê, nhưng bản lĩnh mới là điều quan trọng
“Theo tôi nghĩ, điều quan trọng và cần thiết nhất cho người ca sĩ mới bước chân vào nghề là niềm đam mê. Khi đã có đam mê, anh ta sẽ dám bỏ thời gian và công sức ra để luyện tập, nâng cao khả năng của mình. Một điều nữa cũng khá quan trọng là, anh ta phải là người chịu khó, tìm tòi, khám phá và có định hướng.
Ngoài ra, (riêng cá nhân tôi cảm thấy) thì bản lĩnh cũng rất quan trọng. Vì con đường âm nhạc rất khó nói trước điều gì, nên người ca sĩ đó sẽ phải luôn đối diện với 2 phương án: Sản phẩm của mình sẽ thành công hay thất bại? Nếu chẳng may, sản phẩm của mình chưa tốt, người ca sĩ đó sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá. Và quan trọng nhất lúc đó là không nản lòng. Còn ca khúc hay chỉ là một yếu tố may mắn giúp công chúng để ý đến khả năng của người ca sĩ đó nhanh hơn thôi, chứ không phải là tất cả”. (Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung)
Cám ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị này!
nguoiduatin