ca khúc làm say lòng người, thay vào đó là một người đàn ông trung niên khô khan, suốt ngày cặm cụi với những văn bản pháp luật, nghị định, thông tư.
Nhiều ý kiến cho rằng Quy chế 47 chưa đủ “lực” để quản lý tốt hoạt
động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp (ảnh minh họa).
Ông tâm sự: “Suốt mấy năm nay, tôi vật vã với Quy chế 47, đi kêu cầu khắp nơi, Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL… chỉ để người ta chỉnh sửa những quy định vô lý về quyền tác giả trong quy chế này tới mức “mỏi gối chồn chân” mà vẫn chưa thu được kết quả nào”.
Trong Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp (gọi tắt là Quy chế 47), ở Điều 12 có quy định: Thực hiện nghĩa vụ về thuế, các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quảng cáo, các quy định tại quy chế này và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp”.
Tuy nhiên, đến Điều 22, khi quy định về thủ tục, hồ sơ xin cấp phép biểu diễn đã không quy định trong hồ sơ xin cấp giấy phép biểu diễn phải có hợp đồng xin phép tác giả. Chính vì sự lỏng lẻo này mà năm 2011 có đến hơn 90% số buổi biểu diễn tại khu vực phía Bắc đã vi phạm bản quyền tác giả.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: “Khi Bộ VHTTDL tổ chức lấy ý kiến đóng góp để sửa đổi Quy chế 47, trung tâm đã làm văn bản đề nghị một điều khoản bổ sung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức biểu diễn, đó là: “Thực hiện đầy đủ và nghiêm minh việc xin phép và trả tiền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm sử dụng để biểu diễn, theo các quy định của pháp luật hiện hành về bảo hộ quyền tác giả”. Chỉ có vậy thôi mà không ai thèm để ý.
Tôi đã xin phép được làm việc riêng với các lãnh đạo bộ, mỗi lần chỉ được gặp các ông trong 5 phút, lần nào các ông cũng hứa sẽ xem xét, vậy mà cuối cùng, theo văn bản mới nhất chuẩn bị được ký ban hành, điều khoản này chỉ dừng ở mức “các cá nhân và tổ chức phải hứa cam kết sẽ xin phép các tác giả”. Mà họ thì cam kết bao nhiêu lần rồi cũng trốn hết luôn”.
Cố tình “quên” quyền tác giả?
Trở lại với những rắc rối của Chương trình “Ru tình” do Liên đoàn Xiếc VN phối hợp với Công ty Mediamax tổ chức. Mặc dù phía gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lên tiếng về sự xâm phạm quyền tác giả, yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho mình trước một việc làm “sai trái về pháp lý và đạo lý”, nhưng phía những người xâm phạm quyền tác giả đã có một tấm “thẻ bài miễn tội”, đó chính là Quy chế 47. Nếu tới đây, sau khi quy chế này được sửa đổi và chỉ yêu cầu nhà tổ chức “hứa cam kết sẽ xin phép các tác giả” thì tình trạng xâm phạm quyền tác giả này sẽ còn “trăm hoa đua nở”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương bức xúc cho biết: “Quyền tác giả đã được quy định trong khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ từ năm 2005, vậy nhưng từ Cục Nghệ thuật biểu diễn cho tới các sở VHTTDL các địa phương đều thản nhiên đóng dấu đỏ trong thủ tục cấp phép biểu diễn cho các đơn vị tổ chức, bất cần quan tâm tới việc họ đã được các chủ sở hữu tài sản cho phép sử dụng hay chưa. Như vậy, nếu dùng ngôn từ theo kiểu dân dã, chẳng khác nào họ đã “bảo kê” cho những hành động vi phạm pháp luật, còn theo đúng khái niệm chuyên ngành thì chính họ đã triệt tiêu khả năng tự bảo vệ lợi ích của các tác giả theo đúng quy định của luật pháp”.
Được biết cách đây 5 tháng, Bộ VHTTDL đã có một cuộc gặp chính thức với đại diện của trung tâm, tại đó, một chuyên viên của Vụ Pháp chế cho biết: “Chúng tôi tìm trong Quy chế 47, không có quy định nào là phải “xin phép trước” mà chỉ là “xin phép”. Nhưng chuyên viên này quên rằng, trong ngôn ngữ tiếng Việt, thì “xin phép” đã bao hàm ý nghĩa của “xin phép trước”, nếu không thì xin phép để làm gì? Quan điểm đó lý giải vì sao mà sau khi sửa đổi, Quy chế 47 đã có một bước “đại nhảy vọt”, yêu cầu nhà tổ chức “hứa cam kết” sẽ xin phép các tác giả.
Dân Việt