"Ta khóc ròng một câu"
Cứ mỗi lần ngồi bên chung rượu cùng bạn bè, nhạc sỹ của những làn điệu mang âm hưởng dân gian lại như "lên đồng". Ông say sưa, hai bàn tay nhịp nhàng vỗ nhịp lên mặt bàn... và hát các ca khúc: Chảy đi sông ơi, Hồ trên núi, Những cô gái quan họ, Trên đỉnh Phù Vân, Không thể và có thể...
"Nhiều người nghĩ cái chất của tôi mộc mạc thế, ắt hẳn là tôi đã có một tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm với hình ảnh cánh đồng, dòng sông, con trâu, cái cày, nhưng thực ra, tôi sinh trưởng ở Hà Nội. Từ trong sâu thẳm lòng tôi luôn có một tiếng gọi thiết tha về quê hương xứ sở, về cội nguồn của tâm hồn Việt", nhạc sĩ tâm sự. Cũng ít ai ngờ những bài ca ấy đều được sáng tác theo đơn đặt hàng: Trên đỉnh Phù Vân viết cho vở kịch Yêu trên đỉnh Phù Vân (Đoàn kịch Hải Phòng); Chảy đi sông ơi viết cho vở Thuyền lá (Nhà hát kịch Trung ương); Không thể và có thể viết cho vở kịch cùng tên của Đoàn kịch Nam Hà.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương
“Quê ngoại tôi ở Bắc Ninh, hồi đi học tôi lại sơ tán ở Hà Bắc. Khung cảnh làng quê êm đềm với những làn điệu quan họ thấm dần vào hồn tôi, tạo cho tôi một cảm xúc bền vững để viết nên bài Trên quê hương quan họ mượt mà đằm thắm. Tôi có một niềm cảm hứng đặc biệt khi được sống trong thiên nhiên, tâm hồn lúc ấy như cánh chim được sải cánh bay. Vì thế, âm nhạc của tôi luôn giàu hình ảnh. Có lẽ một phần vì tôi thấy sông nước là một cái gì đó vừa êm ả vừa không hề tĩnh lặng vì nó là một dòng chảy liên tục. Nó gợi cho tôi một cảm giác rung động lập tức và hội cảm với nó luôn", nhạc sỹ chia sẻ.
Một người đau khổ vì tình yêu muốn trốn lên tận đỉnh núi mây mù sương phủ, có cả cửa thiền để xa lánh cõi đời. Nhưng ở chốn thâm sơn cùng cốc đến mức độ lên đỉnh núi cao cách trời ba thước, xuống đáy thung sâu thăm thẳm sông dài, vào rừng trúc mai véo von con sáo sậu thì tiếng gọi tình yêu lại thôi thúc trong lòng: "Ta khóc ròng một câu, đâu người ta yêu dấu". Thế đấy, muốn trốn hết tất cả chốn lụy trần mà cũng không trốn nổi tình yêu. Đây là một bài hát ca ngợi sức mạnh của tình yêu, sức mạnh tồn tại vĩnh hằng của vũ trụ này, yêu đến thế là cùng. Cho nên, có thể coi đây là một bài hát về triết lý hay bài hát về tình yêu cũng được.
Ở bài hát "Không thể và có thể", nhạc sỹ muốn đưa ra triết thuyết rất cụ thể. Cái có thể mới là quan trọng còn cái không thể thì thuộc về duy vật, về sự vĩnh hằng của cuộc sống này, của vũ trụ này mà ta không thể vượt được. Ví dụ như quy luật của thời gian (thời gian đã trôi qua thì không thể trở lại), quy luật của sự vận động (đám mây không thể ngừng trôi cũng như trái đất không thể ngừng quay) quy luật của ngày và đêm. Tức là con người ta không thể đụng chạm được đến quy luật cơ bản của sự sống. Vì vậy cái không thể là cái giới hạn còn cái có thể là cái mênh mông.
"Chảy đi sông ơi..."
Ở bài "Khúc hát phiêu ly", khi nỗi đau không tìm nơi hóa giải, Trương Chi tìm về với dòng sông thân yêu với một nỗi cô đơn khủng khiếp. "Là Trương Chi ta hát khúc Trương Chi, là Trương Chi ta hát khúc phiêu ly"... nhưng rồi nhìn sông chảy, anh cảm thấy mình không thể dừng lại được. Nỗi đau cất lên: "Sông ơi sao lại vô tình thế? Cứ chảy mãi mà không biết ta đang tan nát cõi lòng. Hãy chờ ta một lần, một lần thôi...". Và Trương Chi theo những con sóng, mong lòng sông cưu mang mối tình đau khổ của mình để cùng chảy ra biển. Đó là cái chết của Trương Chi trong ca khúc "Sông ơi hãy đợi". Như một thông điệp gửi đến người nghe: "Thể xác hữu hạn nhưng tình yêu thì vô hạn. Nỗi đau tột cùng không dừng lại ở một mối tình đơn phương".
Nhạc sỹ Phó Đức Phương cho rằng: "Sống giữa cuộc đời thường với bao nhiêu lo toan, con người vẫn luôn ước mơ, thèm khát được bay bổng. Với tôi, thế giới ấy hiển hiện qua âm nhạc. Mỗi khi viết một tác phẩm mới, tôi bao giờ cũng có cảm giác mình chuẩn bị đi vào một cõi riêng, dọn mình sạch sẽ, quên hết tục lụy giống như lúc mình chuẩn bị hương hoa để cúng ông bà. Những cõi ấy là Phù Vân - Yên Tử, sóng nước hồ Ba Bể, mộng mị Sa Pa. Tôi luôn sống cùng cảm giác ấy đến tận cùng và cảm thấy mình tiếp cận được những vùng đặc biệt".
Và ông tiết lộ: “Những ca khúc của tôi tưởng như không nói về tình yêu nhưng lại là nói về tình yêu đấy! "Chảy đi sông ơi" là nỗi lòng của một người con gái mất người yêu, nhờ dòng sông nói hộ lòng mình nỗi nhớ da diết đến tê tái, quặn thắt... "Trên đỉnh Phù Vân" là bước tiếp theo của "Chảy đi sông ơi", một người mất người yêu và muốn thoát khỏi bụi trần, lên với núi cao ngàn mây để quên đi tất cả nhưng rồi vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh... Với tôi, tình yêu là đề tài luôn có những cái mới, và đem lại nguồn cảm hứng bất tận...".
Nguoiduatin