Họ đăng quang bằng lượng vote của khán giả. Hẳn nhiên, đó là người được số đông công chúng mến mộ và đặt niềm tin cho vị trí xứng đáng nhất của một mùa giải. Nhưng, được vote với số phiếu áp đảo, chưa đủ để nói lên được tất cả, rằng đó là tài năng vượt trội và xuất chúng. Bởi đâu đó, trong những cái vote đó, có cả sự cảm mến và tình thương.
Vietnam Idol 2012 vốn là một cuộc chiến gây bất ngờ như thế. Khi tài năng được đặt sang một bên, để đấu với những ứng viên có chút hoàn cảnh hoặc có số phận, thì cuộc cạnh tranh về lượng vote vốn đã ẩn chứa sự thiếu công bằng.
Lần lượt phải rời cuộc chơi sớm dù không kém về chuyên môn và tài năng như Anh Quân, Thanh Hưng… để lại sàn đấu top 4 gồm một bên là hai thí sinh có hoàn cảnh như thí sinh chuyển giới Hương Giang Idol và một chàng trai dân tộc Churu dễ mến với hai tài năng vượt trội là Bảo Trâm và Hoàng Quyên. Cục diện cuối cùng cũng bất ngờ tột độ, khi Bảo Trâm phải dừng bước sớm, và Hoàng Quyên cũng bất ngờ thua trong trận đấu mà tưởng chừng cô không đối thủ.
Ya Suy lên ngôi trong sự ngỡ ngàng của giới chuyên môn và sự mất lòng tin của số đông giới trẻ vào ngôi vị Thần tượng Âm nhạc Việt. Người ta kỳ vọng, thần tượng sẽ phải sở hữu tài năng xuất chúng đủ để chinh phục tai nghe khán giả đơn thuần, chứ chưa cần nói tới chinh phục những nhà chuyên môn.
Nhưng với một chàng trai, vốn hát bằng bản năng, không phải người có giọng hát của hiếm, cũng không đủ bản lĩnh sân khấu sau gần nửa năm theo cuộc thi lại lên ngôi quán quân, đủ để việc đăng quang của Ya Suy làm khán giả bỗng thờ ơ với sân chơi vốn có tuổi đời bền bỉ và cống hiến nhiều ngôi sao ca nhạc mới như Vietnam Idol.
Nếu như mùa giải thứ 3, Uyên Linh đăng quang làm nức lòng người xem và thực sự cống hiến được một tài năng âm nhạc mới cho showbiz Việt, thì mùa giải thứ 4, Vietnam Idol bị tụt phong độ. Ya Suy khó lòng tiến xa ở showbiz Việt, với tính cách và con người như thế, với giọng hát chưa đủ độ chinh phục ở bất kỳ một thể loại âm nhạc nào để có được phong cách và cá tính âm nhạc như Uyên Linh.
Người ta chắc sẽ nhớ tới Ya Suy giống như Á quân Ngọc Ánh ở mùa giải đầu tiên khi chàng trai này cũng đến với cuộc thi bằng bản năng và bằng một hoàn cảnh đủ để nhận được sự cảm thông của khán giả. Nhưng Ngọc Ánh cũng đã lui vào hậu trường, yên bề gia thất, thi thoảng đi hát và làm công việc không liên quan tới âm nhạc. Ya Suy sau khi đăng quang, cũng chìm nghỉm và chưa có động thái để bứt phá.
Dù Vietnam’s Got Talent vốn không phải là sân chơi để tìm kiếm tài năng chuyên nghiệp cho showbiz Việt, nhưng việc đăng quang của chàng luật sư tập sự Trần Hữu Kiên cũng chưa làm người xem thỏa mãn về cái kết.
Vốn là một sân chơi rất nức lòng người xem vì nó sở hữu lượng rating khủng nhất ở seri các show truyền hình thực tế, Vietnam’s Got Talent mùa giải thứ hai được kỳ vọng vì không chiêu trò nhưng vẫn kịch tính bởi sự đa dạng tài năng và chứa đựng nhiều ẩn số bất ngờ.
Phong phú về nghệ thuật, đa dạng về tài năng và độc đáo về chiêu trò, đêm chung kết được đánh giá sẽ kịch tính bởi cuộc cạnh tranh của những tài năng của hiếm. Nhưng khi khán giả giành nhiều ưu ái cho nhóm xiếc nhí mồ côi Hoa Mẫu Đơn và giám khảo bất ngờ tạo cơ hội cho tài năng nhí Đức Anh thì đêm gala chung kết đã mất đi sự lôi cuốn và kịch tính như mong đợi.
Trần Hữu Kiên đăng quang, dù có tài năng khá độc đáo, nhưng vẫn thiếu cái gì đó, dường như là thứ hào quang cần có của ngôi vị quán quân để được coi là Tài năng độc đáo nhất Việt Nam.
Nhất là, anh thiếu sự đánh giá cao của giới chuyên môn, của dư luận về tài năng, của hiếm và được coi là hiện tượng lạ như ca nương Nguyễn Kiều Anh. Thiếu một sự bứt phá xuất sắc và một sự chinh phục thuyết phục, Trần Hữu Kiên dù vẫn được đánh giá về tài năng, nhưng chưa đủ xứng tầm Tài năng Việt trong mắt fan Việt.
Theo VnMedia