Người có giọng ca vàng đó là Trần Khánh - nghệ sĩ đơn ca của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Tên tuổi ông gắn liền với sự phát triển, nở rộ của nền ca khúc Việt Nam giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta sau hòa bình lập lại (những năm 1957-1964) đặc biệt là thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1964-1975). Khi giọng hát đang ở độ sung mãn nhất thì ngày 15 tháng 6 năm 1981, ông vĩnh biệt tất cả những người hâm mộ do một tai nạn ô tô đột ngột. Năm đó, Trần Khánh mới 51 tuổi…
Những người hâm mộ hẳn là không thể quên những bài Trần Khánh đã hát: Tình ca (Hoàng Việt), Mời anh đến thăm quê tôi (Nguyễn Đức Toàn), Nhớ đàn xe nước (Vân Đông), Tiếng hát gửi dòng sông quê hương (Phan Nhân), Tiếng chiêng đồng (Văn An), Tiếng loa đêm (Đặng Đình Lâm), Thành phố hoa phượng đỏ (Lương Vĩnh), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Người chiến sĩ ấy (Hoàng Vân) v.v… Những bài Trần Khánh đã hát khó có ca sĩ khác gây được ấn tượng. Gần như cái bóng của ông quá lớn đã che lấp hết mọi sáng tạo sau ông. Điều đó được chứng minh rõ ở hai tác phẩm đặc biệt: Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam! (nhạc: Chu Minh, lời: Hoàng Trung Thông) và Bài ca người thợ lò (Hoàng Vân). Sau khi Trần Khánh qua đời, tôi đã nghe một vài ca sĩ thể hiện hai bài trên, nhưng không thể nào so được với ông.
Giọng ca vàng Trần Khánh
Trần Khánh (tên lúc khai sinh là Trần Hữu Khánh) sinh năm 1930 trong một gia đình trí thức tại Hải Phòng. Thân phụ ông cùng 4 người con sớm giác ngộ cách mạng nên đều tình nguyện tham gia trong các tổ chức bí mật của Đảng. Năm 13 tuổi, khi còn đang đi học, Khánh đã làm liên lạc cho một tổ chức cách mạng ở Hải Phòng, đảm nhận việc mang tài liệu, truyền đơn vượt qua lưới kiểm duyệt dày đặc của mật vụ, cảnh sát đến các cơ sở. Rồi cậu thiếu niên lanh lợi, tháo vác ấy thoát ly hẳn gia đình đến hoạt động ở đệ tứ chiến khu Trần Hưng Đạo (còn gọi là chiến khu Đông Triều). Ngày nay, sử liệu của đảng bộ Hải Phòng vẫn còn ghi lại được những chiến công huyền thoại của đội danh dự tiểu trừ Việt gian, trong đó có đóng góp của Trần Khánh. Năm 1945, Trần Khánh đã là trợ thủ đắc lực cho nhạc sĩ Văn Cao bắn chết tên Việt gian Đỗ Đức Phin - một tay sai đắc lực của Nhật, khét tiếng gian ác ở Hải Phòng. Đó là một ngày cuối tháng 6 năm 1945. Cậu bé liên lạc Trần Khánh được giao nhiệm vụ quan sát nơi ở, nghiên cứu quy luật đi lại, hoạt động của tên Phin để Văn Cao hạ thủ. Cậu báo cho Văn Cao biết chính xác Đỗ Đức Phin đang có mặt tại một sòng bạc đường Đông Kinh (nay là phố Phan Bội Châu). Nhận được ám hiệu của Khánh, Văn Cao tiến đến chỗ đó. Vì không muốn cậu bé 15 tuổi chứng kiến cảnh bắn giết nên Văn Cao đã nói Khánh đi về. Nhưng Khánh rất lo lắng cho Văn Cao nên cứ nấn ná ở lại quan sát từ dưới đường. Đến khi Văn Cao nổ súng giết chết tên Phin một cách rất mau lẹ, Khánh mới yên tâm là mình đã hoàn thành nhiệm vụ.
Sau một thời gian đánh giặc ở chiến trường khu 5, Trần Khánh được điều ra hoạt động bí mật trong lòng Hà Nội tạm chiến từ năm 1951 với bí số SKZ 50 dưới sự chỉ đạo, điều hành của Sở Công an Hà Nội. Một lần, Khánh bị địch bắt, giam ở Hỏa Lò. Chàng trai trẻ cắn răng chịu đựng, một mực không khai báo hoạt động của mình. Khánh nhớ mãi một kỷ niệm: khi bị tống giam vào trại, mọi người cùng bị giam đã xiết chặt vòng tay, quây lấy Khánh để hứng chịu cho anh những trận mưa roi vọt, dùi cui của bọn cai ngục, để anh cất lên tiếng hát giữa trại giam: "- Vùng lên! Hỡi các nô lệ ở thế gian. Vùng lên! Hỡi ai cực khổ bần hàn!...".
Không khai thác được gì, kẻ thù buộc phải thả Trần Khánh. Anh lại tiếp tục hoạt động, tiếp tục cung cấp nhiều tin tức có giá trị cho ta. Lúc ấy, Sở Công an Hà Nội đóng ở đất khu 3 cũ. Trần Khánh đã lên Bắc Giang để tìm cách liên lạc về cơ quan. Người chiến sĩ tình báo trẻ mới ngoài 20 tuổi không thể ngờ một tai họa đã ập xuống đầu mình khi tìm đường về với căn cứ lần ấy. Số là để hoạt động thuận lợi trong vùng địch hậu, đồng chí phụ trách Trần Khánh đã mua cho anh một giấy thông hành của phòng Nhì Pháp cho phép đi lại ở thành phố. Chính nhờ có giấy này mà Trần Khánh đã che được mắt địch và hoạt động có hiệu quả trong vùng Hà Nội tạm chiến. Nhưng khi lên đến Bắc Giang, anh đã bị lực lượng của ta bắt và giam giữ vì bị nghi là gián điệp cho địch (bằng chứng chính là cái giấy thông hành của phòng Nhì kia).
May thay, chỉ sau đó một thời gian ngắn, hòa bình lập lại, rồi quân ta về tiếp quản thủ đô. Cùng với nhiều người bị giam giữ khác, Trần Khánh được thả (theo sự biến động của thời cuộc chứ vẫn chưa được minh oan). Mãi tới năm 1979 - nghĩa là trước khi nhắm mắt 2 năm, nghĩa là suốt gần 25 năm - mới được vào biên chế chính thức. Chẳng những thế mà những năm cuối cùng, Trần Khánh còn bị người ta thi hành kỷ luật, định đuổi việc do "vi phạm kỷ luật lao động, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật" chỉ vì ông quá ham mê đi biểu diễn phục vụ các đối tượng công chúng ở khắp mọi miền đất nước để có những lần trở về cơ quan không đúng hạn (ngày ấy Trần Khánh cũng như nhiều nghệ sĩ khác biểu diễn đâu có được trả cát - xê hậu hĩnh như ngày nay, chủ yếu chỉ nhận được món quà tình cảm là sự yêu mến nồng nhiệt của công chúng. Có chút quà bằng vật chất gì, rất không đáng kể).
Gần 25 năm trời, Trần Khánh không được vào biên chế. Lý do: chỉ vì "lý lịch không rõ ràng". Về cái vụ án oan khuất nói trên thì ngay từ ngày 4-12-1963, ông Nguyễn Hải Thanh khi ấy là chánh án tòa hình sự I đã thay mặt đảng, đoàn và thẩm phán tòa án nhân dân tối cao (ông Thanh nguyên là bí thư chiến khu Đông Triều những năm 1944-1945 - nơi Trần Khánh hoạt động cách mạng lúc chưa đầy 15 tuổi) đã gủi công văn cho đảng đoàn Đài Tiếng nói Việt Nam nói rõ sự việc Trần Khánh bị bắt và bị tù oan ở Bắc Giang hồi cuối năm 1953. Văn bản này cũng khẳng định: "Trong quá trình hoạt động, anh Khánh bị địch bắt nhưng vẫn giữ vững tinh thần, không đầu hàng, phản bội. Khi được địch thả, vẫn có ý thức tìm cách liên lạc với Sở Công an Hà Nội để hoạt động. "Công văn này đã đề nghị Đài Tiếng nói Việt Nam: "Về mặt nội bộ, chúng tôi thông báo để các đồng chí biết, đề nghị các đồng chí có kế hoạch giải quyết các chính sách của Đảng và Chính phủ cho thỏa đáng, tạo điều kiện thuận lợi để Trần Khánh yên tâm công tác, phát huy tài năng phục vụ nhân dân được nhiều nữa" (Công văn số 2124/HIS ký ngày 4-12-1963). Ông Bảo Hùng - nguyên là đại tá, chánh văn phòng Sở Công an Hà Nội - nay đã nghỉ hưu cũng kể lại sự việc đúng như lời xác nhận trong văn bản trên của Nguyễn Hải Thanh. Ông Hùng trước đây là người theo dõi đầu mối, nắm hồ sơ hoạt động của Trần Khánh. Ông còn kể: "Trần Khánh hiền hòa, trầm tính, ít nói, mặc dù bị oan ức thiệt thòi như vậy nhưng không bao giờ nói một lời nào tỏ ý bực dọc, bất mãn như nhiều người khác khi bị ngược đãi. Bực mình điều gì, Trần Khánh chỉ lẳng lặng bỏ đi, chứ không tranh cãi, càng không thóa mạ người khác ngay cả khi bị xúc phạm…".
Hết văn bản nọ đến văn bản kia, lại cả những chứng thực, xác nhận của những người có trách nhiệm biết rõ hoạt động của Trần Khánh, bỏ qua những "chứng nhân lịch sử", người ta vẫn không tiến hành thủ tục để Trần Khánh được vào biên chế chính thức, mặc dù ông đã nổi như cồn và được đông đảo công chúng mến mộ từ lâu. Khi mà cái lý do về "lý lịch không rõ ràng" trở nên chẳng còn mấy thuyết phục vì đã có những cơ quan luật pháp xác nhận như ta đã thấy, người ta lại đổ cho Trần Khánh mắc khuyết điểm về sinh hoạt.
Lần đó, ông về hát ở vùng mỏ nhân một ngày truyền thống. Đối với vùng mỏ Quảng Ninh, hai cái tên Hoàng Vân và Trần Khánh đã trở nên thân quen, gắn bó với người thợ nơi đây bởi hai ông là người sáng tác và biểu diễn bài Bài ca người thợ mỏ khiến họ sủng tín. Lần đó, tham dự buổi liên hoan văn nghệ đó có một đồng chí lãnh đạo cấp cao. Vị lãnh đạo cao cấp đã thăm hỏi người nghệ sĩ, mới biết Trần Khánh vẫn ở ngoài biên chế Nhà nước. Thế là vị lãnh đạo này cho người sang can thiệp với Đài Tiếng nói Việt Nam và sau đó Trần Khánh được vào biên chế chính thức. Đó là cuối năm 1979, trước khi người nghệ sĩ mất chưa được hai năm.
Và ngày 15-6-1981. Hôm ấy, Trần Khánh nhận trách nhiệm về Quảng Ninh thu xếp trước cho cuộc biểu diễn của một số anh chị em đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông bảo rằng sẽ đi lo liệu (tiền trạm) một lần cuối cùng cho cơ quan. Cũng bởi vì có uy tín lớn ở Quảng Ninh nên bao giờ ông về, tình hình cũng rất thuận lợi. Ông đã lấy được vé ô tô khách để sáng hôm sau về Quảng Ninh sớm. Nhưng một cậu lái xe khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng nhận ra người ca sĩ mà cậu ta rất ngưỡng mộ ở bến Long Biên liền làm quen Trần Khánh và tha thiết mời ông lên xe cậu ta về Hải Phòng để được thết đãi và nói chuyên với ông. Cậu ta hứa ngay hôm sau sẽ chở ông về Hải Phòng. Thế là, vừa nể người lái xe, cũng vừa muốn qua Hải Phòng vì lâu không về, Trần Khánh đã nhận lời và lên luôn chiếc xe ca đó. Đến tối, xe mới lăn bánh, đường lại mưa trơn, đến đoạn Mỹ Hào (Hưng Yên), xe cậu ta do tránh gấp một xe đi ngược chiều nên lăn kềnh. Trần Khánh bị thương nặng. Ông được đưa ngay vào bệnh viện thị xã Hải Dương rồi chuyển lên bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Tại đây, Trần Khánh vẫn còn rất tỉnh táo, nhận được ra người vào thăm, nói chuyện bình thường và kể lại được diễn biến vụ tai nạn. Nhưng một tuần sau, người ta mới thấy ông cần phải mổ và sau khi mổ, ông đã vĩnh viễn từ biệt cõi đời do chấn thương quá nặng, không được xử lý ngay sau khi bị tai nạn.
Ngẫm lại cuộc đời hoạt động, chiến đấu và ca hát của Trần Khánh, nhất là hiệu quả và sự thuyết phục lớn lao của giọng hát rất nhiều người nghĩ rằng ông hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, chứ không chỉ là ưu tú, lại được phong những đợt về sau này, chứ không phải ngay đợt đầu tiên. Nhưng dẫu sao thì Trần Khánh vẫn cứ sống mãi trong lòng đông đảo người hâm mộ.
Pháp Luật Xã Hội