Thời kỳ nở đẹp nhất của âm nhạc Ngọc Châu chắc chắn là thời kỳ của Nếu điều đó xảy ra, Chiều Xuân, Thì thầm mùa Xuân…Châu đến trong làng nhạc gọn gàng, và đẹp lấp lánh giai điệu, đẹp kiểu mùa Xuân xứ Bắc. Có gì đó rất tươi và rất mới. Có gì đó rất tình và rất…khoảng cách. Có gì đó rất thật nhưng cũng rất chông chênh.
Mà cuối cùng thì chông chênh thật
Châu đứng không vững giữa hai làn ranh cũ và mới. Châu như một sợi dây mà hai bên giằng nhau kéo về phía mình: một bên là trường phái sáng tác cũ, thậm chí là hơi công thần; một bên là nhạc đương đại, có phần hơi thị trường. Hai bên đốp chát nhau, và Châu hứng trận. Hai bên cùng nhau kéo, và Châu giãn ra đến hết tính đàn hồi. Rồi cả hai đều buông.
Và đang trong thời kỳ nở đẹp ấy, các bậc đàn anh đàn cha của trường phái sáng tác cũ rất cưng chiều Châu. Hầu hết các buổi sinh hoạt âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Châu đều được tham dự như một gương mặt tài năng kế tiếp. Tại những buổi họp, các mũi dùi không thôi chĩa vào những Trống vắng, Giã từ dĩ vãng, Mưa phi trường, Con gái…Thường những buổi ấy, Châu không có ý kiến, chỉ lắng nghe chăm chú và thỉnh thoảng cười rất ý tứ, về những lời lẽ mà các bậc cha anh ném vào những sáng tác thế hệ mình.
Sau đó, gần như Châu vắng mặt trong đời sống âm nhạc. Những bạn cùng thời của Châu vẫn sáng tác đều tay. Đức Trí da diết với Như chưa bắt đầu, Nắng có còn Xuân. Việt Anh nồng nàn với Hoa có vàng nơi ấy, Đêm nằm mơ phố, Thành phố sương. Quốc Bảo dệt hoa dệt gấm hào nhoáng với Bài tình cho giai nhân, Em về tinh khôi, Bình yên…Họ vẫn ung dung đi giữa thị trường âm nhạc và những ca sĩ tài năng vẫn cất cao giai điệu của họ.
Rồi những chuyến tàu tiếp nối với những Đỗ Bảo, Lê Minh Sơn, Vũ Quốc Việt…định hình phong cách và thương hiệu, thì Châu vẫn im hơi lặng tiếng. Anh ngủ quá sâu.
Anh ngủ trong những định kiến cũ, ngủ ngay trong những hoài nghi của chính mình dù có bao người lay anh dậy và quát thẳng vào anh: “Anh là người của đời sống âm nhạc đương đại, anh đủ tài và tâm để làm tốt những gì ở thế hệ mình. Phải biết gạt bỏ những phủ nhận của lối suy nghĩ công thần và tiếp tục bước ra đường mà vui như anh từng bước đi!”. Nhưng anh vẫn ngủ.
Và rồi trong những quên nhớ theo lẽ thông thường, tên anh ít được nhắc. Anh vẫn sống với những công việc liên quan đến âm nhạc, trừ sáng tác. Phòng thu anh làm sẵn nhưng để phủ bụi. Giọng hát trong vắt của cô em gái Khánh Linh chờ đón âm nhạc của anh trai, nhưng cũng mỏi mòn bởi bài hát viết được chút ít, lại vò ném vào góc phòng. Có thời điểm 4 năm liền anh sống như một cái bóng, hầu hết chỉ ở trong phòng và thi thoảng cà phê một mình ở một quán cà phê gần nhà. Nhiều người tiếc cho anh. Anh nói rằng, thời điểm đó, có những lúc anh ngỡ mình đã bị điên…
Tôi biết, anh sống trong những nặng nề của những danh tiếng, lễ giáo, công việc, gia đình. Anh đủ thông minh để có thể làm tốt một trong những thứ trên nhưng lại không đủ mạnh mẽ để có thể dứt khoát ngay trong ứng xử với những điều đó. Anh mâu thuẫn giữa khát vọng sống và khát vọng âm nhạc. Anh nặng nề với nụ cười bâng quơ và giọt nước mắt thật của khao khát tự do trong yêu đương. Anh đã rối bời không có lối thoát giữa những mê hồn trận của chính mình. Anh mờ mịt với chính mình như một gã cận thị nặng bị tước đoạt kính giữa con đường đầy mưa.
Nhưng rồi cuối cùng anh đã giải thoát cho mình bằng cách nói ra những gì cần nói với những người thân, mỉm cười với những điều mới mẻ và chấp nhận làm lại sau những đống tan hoang trong tâm hồn suốt 10 năm ngủ quên.
Lần trở lại ở cái tuổi ngoại tứ tuần, Ngọc Châu không mong mình sẽ lại tiếp tục với những giai điệu lấp lánh xưa, bởi mọi thứ cũng đã muộn và tuổi trẻ không thể đến lần thứ hai đối với một đời người. Với lại, nếu mong mỏi viết như xưa cũng chẳng để làm gì, bởi âm nhạc mỗi thời mỗi khác. Dĩ nhiên, Ngọc Châu vẫn tiếp tục sáng tác thôi, sáng tác cho ngày trở lại sau cơn ngủ mê ấy.
Anh nói, anh sẽ rong ruổi một chuyến đi trong vòng vài ba tháng để khởi động lại mình, rồi sẽ đi đi về về giữa Sài Gòn-Hà Nội trong vai trò là một nhà sản xuất và hòa âm. Cơn ngủ kia có thể cướp mất của anh những sáng tác nhưng bù lại cho anh những độ đằm, độ sâu nhất định để anh tiếp tục vai trò sản xuất vốn đòi hỏi sự kỹ càng nhưng không thể thiếu sự tinh tế. Châu rất tin tưởng với điều này. Cái niềm tin được thắp lại như chàng trai ngày ấy dám cãi lời bố, không học lý luận mà học sáng tác để rồi có được nhạc sĩ Ngọc Châu.
Thì cũng mong, niềm tin ấy sẽ cho thị trường âm nhạc một nhà sản xuất Ngọc Châu như và có thể hơn những gì nhạc sĩ Ngọc Châu xưa đã làm được.
Thế Giới Người Nổi Tiếng