Vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia Phạm Xuân Đà cho biết, ông mua trái lê Trung Quốc để trong môi trường bình thường sau 5 tháng vẫn không hỏng, chỉ hơi héo một chút so với lúc đầu. Tuy nhiên, trường hợp ông Đà gặp phải không phải là hiếm.
Ngày 23/9, bà Đặng Thị Thọ (ở Yên Hòa, Cầu Giấy) cho biết, bà mua một quả táo thắp hương từ dịp Tết Nguyên đán, đến nay đã hơn 8 tháng mà không hề hỏng, chỉ héo và màu ngả vàng. Vì thế, bà luôn đặt quả táo này trên tủ để ai đến thì cảnh báo.
Một tiểu thương bán hoa quả tại chợ Long Biên tiết lộ, tất cả dân buôn đều biết cách làm hoa quả tươi lâu. Những loại hóa chất này đều được bán tại quầy đồ khô các chợ lớn, giá không đắt. Hoa quả vận chuyển đi xa, lâu ngày thường được "tẩm" một lần. Về Việt Nam, để tránh hàng nhanh héo, hỏng, người bán tiếp tục cho chất bảo quản…
Táo Trung Quốc là một trong những loại hoa quả bị nghi "tẩm"
nhiều chất bảo quản. Ảnh:N.Thanh.
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Duy Lâm (Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) cho biết, thông thường lê và táo có thời gian tươi lâu hơn so với xoài, đu đủ. Tuy nhiên, lê, táo để lâu vượt mức như vậy là có sự can thiệp của thuốc bảo quản với độc tính cao.
“Hoa quả bình thường khi xuất xưởng phải để trong điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, lê, táo Trung Quốc chắc chắn sẽ được bọc trong túi nylon ẩm có thuốc để các loại vi khuẩn, nấm mốc 'chết sạch', không có cơ hội phát triển làm thối quả”, tiến sĩ Lâm nói và cho hay, đã nhiều lần chứng kiến cảnh người dân ngâm tẩm cam, táo trong những túi nylon ẩm có thuốc để quả không bị hỏng.
“Quá nhiều loại, không thể phân tích”
Báo cáo Bộ Y tế, Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm quốc gia cho biết, đã có trên 2.000 loại hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng nhưng Việt Nam mới kiểm nghiệm được 600 chất. Riêng hóa chất bảo quản nhiều vô vàn nhưng phải có chất thử, phương pháp thử mới phát hiện được.
Với kinh nghiêm lâu năm trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, tiến sĩ Nguyễn Trường Thành, nguyên Trưởng bộ môn Thuốc - Cỏ dại và Môi trường, Viện Bảo vệ Thực vật chia sẻ, một người bạn của ông bên Trung Quốc thường bảo, nếu ăn hoa quả thì nên ăn tại nước họ chứ đừng ăn hoa quả từ bên ấy xuất sang Việt Nam.
Theo tiến sĩ Thành, thị trường hiện có quá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí, một số loại máy kiểm tra của Mỹ, Anh cũng không kiểm tra được nên chắc chắn các máy của Việt Nam cũng "bất lực".
“Tại các cửa khẩu, hiện nay chỉ kiểm tra được những chất dễ làm nên nguy cơ mất an toàn cao. Trong một loại quả bình thường chỉ có 5-7 chất bảo quản nhưng hiện nay có tới hàng trăm dư lượng chất nên sẽ vô vùng khó khăn nếu không có một hàng rào kỹ thuật tốt để giám định”, tiến sĩ Thành lo lắng.
Chia sẻ quan điểm này, tiến sĩ Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội) cho biết, một loại quả hiện nay được "ngâm tẩm" đủ các hóa chất, từ các chất đơn giản như diệt nấm, diệt sâu bọ đến diệt vi khuẩn, giữ ẩm, độ tươi…. Mỗi hóa chất đều có tác động khác nhau. Để kiểm tra được hết số hóa chất trên một loại quả như vậy thì chi phí cho việc phân tích rất tốn kém.
Vẫn theo tiến sĩ Thành, hiện nay trong nước đã có rất nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học về các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học sản xuất từ thảo mộc, an toàn mang hiệu quả cao nhưng không được tiểu thương tìm đến.
“Để kiểm soát được các chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật quá liều hoặc nguy hại không có cách nào khác phải xây dựng, phát triển một hàng rào kỹ thuật. Chúng ta phải đầu tư các hệ thống máy sắc ký ghép khối phổ, các máy quét, làm thật chặt từ cửa khẩu”, tiến sĩ Thành đề xuất.
Sẽ phối hợp với Trung Quốc “truy tìm” chất lạ trong hoa quả Tại buổi họp báo Quốc tế Hội nghị Bộ trưởng ASEAN diễn ra ngày 19/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bà đã gặp Thứ trưởng Y tế Trung Quốc trao đổi vấn đề rà soát các quy trình kỹ lưỡng để tìm ra chất bảo quản trong hoa quả nhập khẩu. Bộ Y tế sẽ lấy mẫu quả ở các chợ đầu mối, bán lẻ ngẫu nhiên để kiểm nghiệm. Cục An toàn Thực phẩm được yêu cầu rà soát các quy trình kỹ lưỡng để tìm ra chất bảo quản, đưa ra kết quả cuối cùng vì sức khỏe nhân dân. Cục An toàn Thực phẩm cũng được đề nghị làm việc với Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc đề nghị cung cấp danh sách hóa chất bảo quản được sử dụng, ngưỡng an toàn… đối với rau củ quả ở Trung Quốc. |
Theo Zing.vn