Liên tiếp phát hiện thịt trâu, bò thối
Mới đây, Phòng Thanh tra chuyên ngành của Chi cục Thú y TP.HCM phối hợp với cơ quan chức năng huyện Hóc Môn kiểm tra tại địa chỉ 1/95 ấp Nhị Tân 1, xã Tân Thới Nhì, phát hiện 2 kho chứa 11 tấn thịt trâu, xương bò đông lạnh nhập khẩu và nhiều phụ phẩm khác, như: chân, gân, gan, phổi trâu bò không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Khu vực xung quanh kho chứa hàng không bảo đảm vệ sinh thú y, chân bò còn nguyên lông đựng trong bao tải. Khu vực tổ chức sơ chế phụ phẩm trâu bò phía sau nhà bốc mùi hôi thối.
Trước đó, ngày 30/1, Đội cảnh sát môi trường phối hợp với Kiểm dịch thú y TP. Đồng Hà (Quảng Trị) tiến hành kiểm tra xe khách BKS 73B phát hiện trên xe chở nhiều bao tải chứa thịt heo, bò, nội tạng động vật, mỡ và da heo đã làm sẵn với trọng lượng trên 600 kg đã đổi màu sắc, rỉ dịch và bốc mùi hôi thối.
Kho thịt đông lạnh không rõ nguồn gốc bị phát hiện.
Ngày 25/1, các cơ quan chức năng đã phối hợp bắt giữ xe ôtô BKS 36B - 011.20, do lái xe Lê Văn Du (SN 1983, Thanh Hóa) điều khiển đang vận chuyển gần 2 tạ xương trâu, bò bốc mùi hôi thối. Đối tượng Du khai nhận, số hàng trên được nhận chở từ huyện Thọ Xuân xuống TP. Thanh Hóa và mang ra Hà Nội tiêu thụ.
Ngày 22/1, trên QL1A (đoạn qua TX Hồng Lĩnh) cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh bắt quả tang chiếc xe tải biển số 51C-367.15 chở 20 thùng xốp đựng 1,4 tấn chân trâu, bò đã bốc mùi hôi thối. Tài xế cũng không xuất trình được giấy tờ nguồn gốc số hàng này.
Một container chứa chân trâu bò thối từng phát hiện ở Bình Dương
Giữa năm 2013, Đội Cảnh sát kinh tế Công an Thị xã Dĩ An - Bình Dương bất ngờ phát hiện 2 container đông lạnh chứa chân trâu bò thối tại Công ty Cơ nhiệt Sài Gòn, đóng tại phường Tân Bình - Dĩ An. Bên trong 2 container đầy ắp chân bò, xương bò, đuôi bò và thịt dăm đã biến chất, bốc mùi rất khó chịu.
Trước đó, ở Bình Dương và TP.HCM, cơ quan chức năng cũng nhiều lần phát hiện những container đông lạnh chứa hàng chục tấn chân trâu bò thối. Theo giấy tờ cơ quan chức thu thập, có trường hợp chân trâu bò thối dùng làm thực phẩm cho người, có trường hợp xay dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Thịt trâu, thịt lợn sề biến thành thịt bò xịn
Không chỉ vận chuyển, kinh doanh thịt trâu bò thối, nhiều gian thương còn tìm mọi cách để phù phép, trà trộn thịt lợn, thịt trâu giả thịt bò tung ra thị trường để thu được lợi nhuận "khủng".
Phần lớn nhãn mác ban đầu được tẩy xóa và theo lời khai, mỗi khi giao hàng
sẽ dán mác thịt bò.
Cuối năm 2014, lực lượng quản lý thị trường HN phát hiện 40 tấn thịt trâu đông lạnh được đóng vào những chiếc thùng carton bị rách và tẩy xóa nhãn mác tại kho của Công ty thực phẩm An Việt có trụ sở ở KCN Quang Minh. Trong số này có 15 tấn thịt trâu được cơ quan chức năng xác định không rõ nguồn gốc và hóa đơn chứng từ, được đóng vào 3.000 thùng giấy phần lớn bị bóc vỏ. Theo lời khai của chủ lô hàng, thịt trâu sau đó sẽ được biến thành thịt bò để đưa vào bếp ăn ở các khu công nghiệp. Các thùng giấy bị bóc vỏ để khi các đầu mối đến lấy hàng sẽ dán mác thịt bò vào.
Tính từ đầu đến cuối năm 2014, Công ty thực phẩm An Việt đã nhập hơn 10.000 tấn thịt trâu đưa ra thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, theo hóa đơn chứng từ không có lô hàng nào là thịt trâu được xuất ra. Nhiều người nghi số thịt trâu này đã bị biến thành thịt bò.
Không những dán nhãn mác thịt trâu thành thịt bò, nhiều gian thương còn biết mánh khóe để làm giả thịt bò từ thịt trâu, thịt lợn sề.
Một "đồ tể" đang lọc mỡ, gân lợn sề chuẩn bị tẩm ướp thành thịt bò.
Chủ một đầu mối chuyên cung cấp thịt trâu cho bếp ăn một KCN tại Bắc Ninh tiết lộ trên báo ĐS&PL: “Thực ra “công nghệ luyện” thịt trâu, thịt lợn sề sang thịt bò có từ lâu rồi và không chỉ mỗi chủ lò mà ngay bản thân các mối bán hàng đưa thịt vào các bếp ăn KCN hay đem bán ở chợ đều có những “tuyệt chiêu” riêng để đánh lừa giác quan, khẩu vị người dùng.
Tuy nhiên, có một số điểm chung mà các thủ thuật nhằm biến hóa thịt trâu hoặc thịt lợn sề thành thịt bò là khi đã “pha thịt” sau khi giết mổ trâu hoặc lợn là các tảng thịt này phải được lọc kỹ mỡ, đặc biệt là thịt trâu phải lóc hết những thớ gân trắng. Khi đã xong công đoạn lọc mỡ chuyển sang giai đoạn làm màu và mùi.
Huyết bò được sử dụng để làm màu cho thịt lợn sề
Về màu, thịt trâu thường có màu thẫm rất rắn chắc gần giống thịt bò nên chỉ cần được tưới huyết bò lên nữa thì gần như không thể phát hiện ra.
Cái khó nhất là tạo mùi thịt bò khi nó là thịt trâu. Để làm điều này, những “ảo thuật gia đồ tể” sẽ sử dụng mỡ bò rán lấy nước thoa một lượt quanh thịt lợn, trâu chết thì thịt sẽ có mùi bò. Nếu tẩm ướp kỹ với những gói gia vị tạo mùi bò của Trung Quốc được bày bán ở các chợ thì thịt bò giả sẽ có được mùi hôi rất đặc trưng của bò.
Trâu chết hoặc lợn chết vẫn có thể biến thành thịt bò tuy khó làm hơn một chút, điểm mấu chốt là phải mổ càng nhanh, thịt càng thẫm màu, tưới thêm huyết bò vào là giống hệt thịt bò.
Tiểu thương ở chợ cũng "bó tay" với thịt bò giả.
Nói về công nghệ làm giả phở bò, một đầu bếp từng lăn lộn khắp Nam Bắc bằng nghề làm cơm, làm phở bật mí trên VietNamNet: Một là dùng máu (tiết) bò trộn vào thịt lợn khi ướp để có mùi gây. Hai là dùng viên gia vị bò giá rẻ, mua đầy ngoài chợ, mỗi viên cho vài chảo thịt 5-7 cân là được như ý. Cách thứ ba là “võ” lấy xương bò tươi nguyên đập làm đôi, cho vào trần cùng với thịt. Trong quá trình trần, nước từ tủy, xương bò sẽ ngấm vào thịt, tạo mùi bò đặc trưng...
"Do thịt lợn sề thớ cũng to, dai, sẫm màu nên khéo chế biến, gia giảm, thêm ít gừng tươi vào nữa là vô tư lừa khách”.
Theo Vef.vn