PV: Theo ông, những yếu tố nào hỗ trợ cho NĐT khi đầu tư vào chứng khoán hiện nay?
- Các chính sách về vĩ mô, đặc biệt là chính sách về tài khóa và tiền tệ đang thiên về hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) và ngân hàng (NH). Đặc biệt, Chính phủ đang cố gắng giữ lãi suất ở mức thấp. Các DN được vay vốn rẻ sẽ tạo ra hiệu suất cao hơn trong hoạt động kinh doanh, tạo ra lợi nhuận nhiều hơn, sẽ trả cổ tức cao cho các nhà đầu tư (NĐT). Vì vậy, các NĐT sẽ được thu hút bởi chính sách cổ tức tốt từ phía DN và họ sẽ quan tâm nhiều đến thị trường chứng khoán.
Các kênh đầu tư hiện nay không có nhiều lựa chọn. Việc kiếm lời từ thị trường vàng không còn hiệu quả như trước. Thị trường bất động sản (BĐS) đang hồi phục dần, nhưng là đầu tư dài hạn khi đã qua thời bùng nổ. Vì vậy, những NĐT có vốn lớn mới quan tâm đến BĐS. Còn dòng vốn ngắn hạn không chú trọng nhiều đến BĐS.
Điều cuối cùng là các NĐT ngoại đang mở tài khoản rất nhiều ở Việt Nam, cũng như các quỹ đầu tư nước ngoài đang đổ vào Việt Nam. Sắp tới chúng ta có chính sách để thu hút các quỹ hưu trí, đây là dòng tiền dài hạn, lớn và ổn định.
Những yếu tố trên sẽ là hiệu ứng để thu hút các NĐT đổ tiền vào chứng khoán.
PV: Liệu thị trường có vượt qua được ngưỡng cản 600 điểm không?
- Theo tôi, ngưỡng cản này không khó để vượt qua. Vì năm ngoái chúng ta đã triển khai một số chính sách mới, chẳng hạn vấn đề giải quyết nợ xấu qua VAMC, gói 30.000 tỷ đồng,… đều đang ở giai đoạn khởi đầu. Nên thị trường còn e dè và chờ hiệu ứng rộng rãi của nó để lan tỏa.
Nhưng những điểm sáng về kinh tế vĩ mô giúp các dòng vốn sẽ đổ vào chứng khoán. Từ đầu năm đến nay, thanh khoản của thị trường luôn đạt ở mức cao. Nếu như năm 2013, mỗi ngày giá trị giao dịch chỉ hơn 2.000 tỷ đồng cho cả hai sàn. Nhưng hiện nay, có những phiên giá trị giao dịch của hai sàn đã lên 3.000-4.000 tỷ đồng, thậm chí tới 5.000 tỷ đồng. Điều này chứng minh năm nay nhiều NĐT chấp nhận bỏ vốn vào chứng khoán.
Thị trường hiện nay tính thanh khoản đang tốt nên mốc 600 điểm là có chinh phục được trong khoảng 2-3 tháng nữa.
PV: Vậy CP nào sẽ là lực để đẩy thị trường đạt mốc 600 điểm, thưa ông?
- Về cơ bản những cổ phiếu (CP) có tỷ trọng cao đối với bộ chỉ số sẽ là những CP đóng góp nhiều. Chẳng hạn: PVD, BVH, VNM, MSN, VIC, HAG. Bên cạnh đó, sự quan tâm của NĐT lại thuộc về nhóm CP nóng vì có tốc độ tăng cao hơn VN-Index. Nên khi thị trường bắt đầu thay đổi thì những CP nóng sẽ chạy trước và dài hơi hơn những CP cơ bản tốt.
PV: Thời gian qua đã có những CP tăng giá 100%-300%. Yếu tố nào khiến những CP đó tăng giá mạnh như vậy, thưa ông?
- Thứ nhất, thị giá CP đó quá thấp so với giá trị thực (giá trị sổ sách lớn hơn thị giá). Chẳng hạn, một CP có giá trị sổ sách là 13.000-14.000 đồng/CP, nhưng thị giá chỉ 4.000-5.000 đồng/CP. Những CP đó dần dần quay về với giá trị thực.
Thứ hai, một số các CP lúc trước có những thông tin rất xấu, nhưng sau đó DN đã cải thiện được tình hình, họ đã bổ sung về kết quả kinh doanh tốt hơn. Những CP đó sẽ lên giá.
Thứ ba, những CP bị làm giá, nhưng nó có yếu tố đầu cơ sẽ đẩy giá CP đó lên.
PV: Vậy xu hướng tăng giá gấp 2-3 lần có lặp lại như trong thời gian qua không thưa ông?
- Hiện nay, nhiều CP đã đi quá xa giá trị thực của CP, vì vậy nó phải quay lại giá trị thực nên không còn lý do để tăng mạnh như thời gian vừa qua. Nếu có chỉ xuất hiện lác đác trong vòng 10 CP trở lại.
Thị giá của các CP đã lên một mặt bằng giá mới. Trước kia có những CP giá chỉ 2.000-3.000 đồng/CP. Nhưng sau chu kỳ tăng giá thì giá CP đã được đẩy lên thành 6.000-7.000 đồng/CP… Vậy thì khả năng để tăng 2-3 lần nữa là khó.
Những CP có tiềm năng tăng nóng trong thời gian tới là những CP vẫn còn ở giá trị thấp, dưới 10.000 đồng/CP. Các CP đã có kết quả kinh doanh cực xấu trong năm 2013, nhưng sẽ có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2014. Cụ thể, đó là những CP thuộc nhóm ngành BĐS, vật liệu xây dựng. Những CP đó đã rớt giá quá một nửa. Năm nay, ngành BĐS sẽ được Chính phủ hỗ trợ rất nhiều, những CP này sẽ hồi sinh và tăng trưởng mạnh.
Xin cảm ơn ông !
Theo Infonet.vn