Không lộng lẫy như siêu thị, cũng chẳng cao sang như những shop thời trang, chợ Tết của công nhân nằm ngay tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Đa số chủ và khách hàng ở đây đều là công nhân, vì vậy các sạp này bán hàng theo giờ tan ca của công nhân, trong đó giờ mua bán chiều tối thường đông và tấp nập hơn.
Nửa năm mới đi mua sắm
Chưa bao giờ, công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Tân Bình lại vui đến thế. Gần nửa năm nay, những hàng quán quần áo, giày dép bày bán hai bên đường đi vào khu công nghiệp bị ngăn cấm hoạt động. Đó là lí do vì sao khi các cửa hàng “tạm bợ” này trở lại hoạt động đã mang lại niềm vui cho đại đa số công nhân ở đây.
Công nhân đang lựa đồ tại một sạp quần áo bên đường
Chị Hồng (chủ một sạp quần áo) nói: “Từ ngày 2/9 đến nay, chúng tôi bị cấm cản đủ đường, không thể buôn bán một ngày nào cả. Trong khi đó, thu nhập từ lương công nhân thì lại quá thấp, muốn kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống bằng việc bán quần áo nhưng không được. Khoảng mấy ngày cuối tuần gần đây, công nhân bắt đầu sắm sửa đồ Tết, bên phường cũng thư thả cho chút xíu nên ai cũng tranh thủ buôn bán kiếm ít tiền về Tết”.
Các sạp hàng của công nhân chủ yếu là quần áo
Trong khi người bán phấn khởi vì làm ăn được thì người mua cũng vui mừng không kém. Đi mua cho đứa con trai ở quê đôi dép làm quà Tết, anh Nam (công nhân) chia sẻ: “Cả nửa năm nay tôi không mua được cái quần, cái áo nào cả. Phần vì công nhân lương thấp, chợ ở đây lại bị dẹp bỏ, nhiều lúc muốn đi mua cái gì đó nhưng không thể vào shop hay siêu thị. Gần đây thấy chợ bắt đầu bán lại, tôi mới ra đây mua”.
Cả người bán và người mua đều rất vui vẻ
Theo quan sát của chúng tôi, những sạp hàng ở đây chủ yếu bày bán quần áo, giày dép đủ loại dành cho công nhân. Những ngày cuối tuần là thời điểm nhộn nhịp nhất của chợ. Ai nấy đều tranh thủ lựa cho mình một vài bộ quần áo mới trước khi về quê. “Vợ chồng tôi đi mua đồ Tết cho cả nhà. Đồ người lớn ở đây đẹp mà đồ con nít cũng đẹp, quan trọng nhất là giá rẻ, nên sẵn tiện chúng tôi lựa luôn cho đứa con gái ở quê mấy cái váy. Chắc nó sẽ mừng lắm”, anh Hoàng (quê Bình Thuận) hồ hởi khoe.
Giá rẻ bất ngờ
Một trong những yếu tố hàng đầu thu hút công nhân khi mua sắm ở "thiên đường mua sắm" này chính là giá cả. Ở đây, giá của tất cả các mặt hàng đều ở mức phù hợp với đa số công nhân. Chỉ với 60.000 - 180.000 đồng là mỗi người có thể sở hữu được một món đồ mà mình ưa thích.
Quần áo trẻ em cũng được bán nhiều ở đây
Tỏ ra rạng rỡ sau khi mua được một chiếc áo thun với giá rẻ, chị Thu (công nhân khu công nghiệp Tân Bình) khoe: “Chiếc áo đẹp, giá lại rẻ nên tôi mua ngay, không cần kì kèo mặc cả. Nhìn xem, 80.000 đồng thôi đấy, cái này mà vô shop chắc cũng trăm mấy, hai trăm nghìn là ít”.
Nhiều mẫu mã quần áo phong phú với giá rẻ, phù hợp với công nhân.
Tan ca về chỗ trọ cơm nước xong, đến 20h, từng tốp công nhân trong các khu trọ tỏa ra chợ săn hàng giá rẻ. Mua được món đồ ưng ý giá rẻ là niềm vui lớn của công nhân khi túi tiền eo hẹp, thưởng tết bèo bọt. Những món hàng mua được rồi đây sẽ theo họ về quê đón Tết hoặc làm quà tặng người thân.
Do Tết này không về quê được nên chị Quý (quê Quảng Trị) vội vàng đi mua vài bộ quần áo rồi gửi bạn mang về cho đứa con trai ở quê. Buồn vì nhớ con nhưng chị cũng mừng vì mua được cho con quần áo đón Tết: “Nhà xa, tiền tàu xe ra vô cũng gần hai triệu nên tôi ở lại không về. Hi vọng khi mặc mấy bộ quần áo này, con trai tôi sẽ vui”.
Đến hơn 22h, chợ Tết công nhân bắt đầu tan dần. Người bán khệ nệ khiêng từng bao hàng lớn lên xe máy để đèo về nhà, mang theo mong ước ngày mai chợ sẽ đông hơn. Còn người mua cũng í ới hẹn ngày mai tiếp tục đi chợ, đi không chỉ để tìm hàng giá rẻ làm quà mà còn là một cách thư giãn như kiểu người giàu đi... shopping!
Theo Pháp luật xã hội