Trước vài ngày chính thức áp trần bán lẻ, có thông tin một số nhãn sữa nằm trong danh sách áp trần của một vài hãng sữa biến mất khỏi quầy kệ, thay vào đó là các nhãn mới với mức giá khá cao. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Infonet, tại thời điểm này ở những siêu thị lớn như Big C, Co.opMart và các cửa hàng chuyên kinh doanh sữa trên đường Nguyễn Thông, Nguyễn Tri Phương… các dòng sản phẩm sữa nằm trong danh mục áp giá trần vẫn xuất hiện trên các kệ hàng.
Chủ cửa hàng Nguyễn Mười khẳng định: “Chúng tôi vẫn nhận hàng về đều đặn, chứ không có chuyện biến mất một số sản phẩm sữa nằm trong danh sách áp trần. Không những vậy, từ những ngày đầu tháng 6, nhân viên của hãng sữa như Abbott, Mead Johnson Việt Nam và Friesland Campina đã đến thống kê số lượng hàng tồn của những sản phẩm trong danh mục áp trần để chuẩn bị cho việc giảm giá. Và cho đến thời điểm hiện tại, cửa hàng đã giảm giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng trước hạn chót là ngày 21/6. Riêng chỉ có hãng Vinamilk đến nay mới chỉ đăng kí giá trần chứ chưa có động tĩnh gì trong việc thông báo khi nào sẽ áp giá trần”.
Nhiều dòng sản phẩm của các hãng sữa đã giảm giá trước giờ chót
Cụ thể, với những sản phẩm của Mead Jonhson thực hiện giảm giá bán lẻ trong khoảng từ 16 – 25,5%, mức giảm dao động từ 31.600 – 221.500 đồng mỗi hộp, tùy theo sản phẩm.
Tương tự, với hãng sữa Cô gái Hà Lan đã hỗ trợ sự chênh lệch giá cho lượng hàng tồn tại cửa hàng, chúng tôi sẽ áp dụng một chương trình giảm giá bán hàng đặc biệt, áp dụng từ ngày 30/5 – 20/6 để bình quân giá bán cho tất cả lượng hàng tồn về giá bán mới. Cụ thể như Frisolac Gold 1 loại 400g có giá 225.400 đồng, chênh lệch giá 31.000 đồng, loại 900g có giá 466.900 đồng, chênh lệch 57.000 đồng. Frisolac 2, loại 900g có chênh lệc giá 58.000 đồng và Frisolac 3, loại 900g chênh lệch 49.000 đồng và loại 1,5kg là 73.000 đồng….
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có không ít sản phẩm vẫn giữ nguyên giá bán. Chẳng hạn như Enfa A + Brain Plus của Mead Jonson và Pediasure của Abbott, tại nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng sữa lớn nhỏ TP.HCM khi được hỏi về giá sữa đều có chung câu trả lời: Dòng sản phẩm này vẫn giữ nguyên giá và sẽ không được giảm giá.
Một số đại lý cho biết, sức mua các dòng giảm giá tăng cao. Tuy nhiên tâm lý người tiêu dùng đa số vẫn chờ đợi hạn chót. “Hai tuần nay, tôi phải nghe ngóng thông tin, chờ giá sữa giảm mới tiếp tục mua sữa về cho con. Bớt được đồng nào, hay đồng ấy. Song, giá sữa có thực sự giảm đồng loạt hay không có lẽ còn phải chờ những động thái tích cực của doanh nghiệp và phải đợi đến hạn chót thực hiện áp giá trần mới biết được”, chị Giang Thanh, Q.3 chia sẻ.
Ông Trương Văn Toàn, Giám đốc Đối ngoại và Pháp lý, Công ty Friesland Campina Việt Nam cũng cho biết, trong 2 tuần vừa qua, thị trường sữa tiêu thụ rất chậm và khách hàng cũng có tâm lý chờ đến khi áp dụng giá mới khiến thị trường chững lại, hàng hóa không tiêu thụ được. Trong khi đó, chi phí cho nhân công, vận hành nhà máy, kho bãi, nguyên vật liệu… vẫn phải chi trả làm cho doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sức mua đã nhích lên chút đỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá Sở Tài chính TP.HCM khẳng định, Sở đang cùng với các quận, huyện tăng cường kiểm soát giá bán buôn và bán lẻ sữa trên địa bàn. Trong trường hợp, nhà sản xuất hoặc nơi bán lẻ bán sai giá bán đăng ký thì sẽ bị phạt theo Nghị định 109. Đặc biệt, Sở sẽ kiên quyết không để xảy ra tình trạng đẩy giá lên cao sau khi đã giảm.
Infonet.vn