Quầy bán hàng thực phẩm tươi sống gia súc gia cầm ở chợ Hôm Đức Viên.
Ảnh: Đình Huệ - TTXVN
Nguyên nhân được nhiều chủ hàng đưa ra là do thời tiết liên tiếp mưa to khiến lượng cung ứng thực phẩm, đặc biệt là các loại rau củ gặp khó khăn. Trong khi đó, giá xăng dầu mới chỉ biến động nhẹ.
Cụ thể, tại chợ Hôm – Hà Nội, giá bán các loại rau củ đều có mức tăng từ 1.000 đến 5.000 đồng. Rau ngót giá 5.000 đồng/mớ, rau cải tăng từ 4.000 đồng lên 5.500 đồng/mớ, rau muống tăng giá mạnh từ 5.000 đồng lên 10.000 đồng/mớ, cà chua tăng từ 13.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg...
Giá các mặt hàng thịt cá cũng có mức tăng nhẹ. Thịt lợn nạc thăn, nạc mông và sườn lợn giá 110.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; thịt sấn vai, sấn mông 85.000 đồng/kg, không thay đổi so với thời điểm tháng 8. Các mặt hàng thịt bò, cá, tôm vẫn đứng giá, như thịt bò giá 240.000 đồng/kg; cá chép 70.000-80.000 đồng/kg; cá rô phi 50.000 đồng/kg…
Theo các tiểu thương tại chợ Hôm, do yếu tố thời tiết, mưa to trong nhiều ngày qua khiến cho lượng cung ứng rau hạn chế, vận chuyển gặp nhiều khó khăn, cùng với nhiều loại rau đang bước vào thời kỳ cuối vụ, nên giá bán tăng cao. Thêm nữa, nhu cầu tiêu dùng cũng tăng cao trong những ngày vừa qua khiến cho các loại thực phẩm cũng bán chạy hơn.
Ông Vũ Vinh Phú, đại diện Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, giá xăng dầu tiếp tục giảm song đến nay cũng chưa có tác động nhiều đến thị trường, các mặt hàng thiết yếu vẫn tăng giá theo thời tiết và tâm lý tiêu dùng. Đây là một nghịch lý bởi lẽ theo ông Phú, giá thực phẩm, rau củ phụ thuộc nhiều yếu tố như nguồn hàng, thời tiết, mùa vụ… nhưng giá xăng dầu vẫn tác động khoảng 10-15% giá thành.
Vì vậy, khi giá xăng giảm liên tiếp trong khi giá tiêu dùng lại tăng mạnh như vậy là hết sức vô lý. Nhà quản lý cần có giải pháp điều chỉnh để thực hiện bình ổn giá, thực hiện an sinh xã hội để người dân không phải gánh chịu việc giá tiêu dùng bị đẩy lên cao như hiện nay.
Trong lĩnh vực vận tải hành khách, giá cước tàu xe, ô tô cũng chưa có dấu hiệu điều chỉnh. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, giá xăng giảm tổng cộng 1.900 đồng/lít là chưa đủ mạnh để khiến các doanh nghiệp vận tải điều chỉnh giá cước.
Các doanh nghiệp vận tải cũng rất muốn giảm giá cước để giảm chi phí cho người dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua doanh nghiệp đã phải chịu nhiều tác động từ các yếu tố đầu vào, trong khi doanh nghiệp không điều chỉnh giá cước.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cũng cho hay, thời gian qua, khi giá xăng dầu tăng thì các doanh nghiệp vận tải vẫn “gồng mình” để giữ giá cước được ổn định. Bởi mỗi lần muốn thay đổi giá cước, doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian về thủ tục đăng kí điều chỉnh giá cước, chi phí thay đồng hồ đối với taxi, bảng biểu...
Hơn nữa, trong thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp cũng đang phải chịu nhiều chi phí tăng cao như điện, cầu đường, bến bãi..., lượng khách cũng giảm rõ rệt. Do đó, giá cước sẽ không thể điểu chỉnh giảm nhanh như giá xăng dầu.
Theo ông Liên, mặc dù tính là đợt giảm giá xăng dầu lần thứ 6 trong gần 2 tháng qua, song trong tháng 9, giá xăng gần như không có biến động so với trước đó, chỉ giảm khoảng 30 đồng/lít. Như vậy, tính ra thì giá xăng vẫn chỉ giảm tổng cộng 1.900 đồng/lít, bằng với tổng mức tăng giá trước đó.
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải điều chỉnh giá cước khi tổng số giá xăng dầu tăng/giảm vượt quá 10% thì các đơn vị vận tải mới tính đến điều chỉnh cước vận tải. So với giá bán xăng hiện tại thì số giảm chiếm khoảng 7%.
Tuy nhiên, đây là động thái giúp giảm gánh nặng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp vận tải. Nếu giá xăng tiếp tục được giảm xuống, và giữ trong thời gian nhất định, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc việc giảm giá cước.
Theo Báo Tin Tức