Bản thông cáo phát đi tối 7/10 của Liên Bộ Tài chính - Công Thương cho biết, giá xăng dầu thế giới trong 30 ngày gần đây có những biến động trái chiều: giá xăng dầu thế giới có biến động tăng đột biến trước tình hình chính trị căng thẳng tại Syria và tiếp tục duy trì trong đầu tháng 9.
Tuy nhiên trong một vài phiên giao dịch gần đây giá xăng dầu thế giới đã có biến động tăng giảm thất thường và có xu hướng giảm.
Liên Bộ Tài chính - Công Thương cho rằng, với mặt hàng xăng, nếu tính bình quân 30 ngày (từ ngày 9/7/2013 đến ngày 10/6/2013) mặc dù giá xăng trên thị trường thế giới có giảm song mức chênh lệch giữa giá cơ sở theo quy định (vẫn còn sử dụng Quỹ BOG 300 đồng/lít như hiện hành) và giá bán hiện hành của mặt hàng xăng là 387 đồng/lít.
Liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối điều chỉnh giảm giá bán xăng tối thiểu 387 đồng/lít và tiếp tục duy trì sử dụng Quỹ Bình ổn giá 300 đồng/lít.
Liên Bộ Tài chính - Công Thương cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tự quyết định vào thời điểm thích hợp nhưng không được muộn hơn 20h ngày 7/10/2013.
Dù khẳng định giá xăng dầu thế giới lên xuống thất thường nhưng
Bộ Tài chính - Công thương vẫn yêu cầu doanh nghiệp
giảm giá xăng
Dù lý giải giá xăng dầu biến động thất thường, song liên bộ này vẫn yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá. Điều này khiến dư luận đặt vấn đề phải chăng do việc Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa công bố ngày 6/10 rằng thời gian tới người dân có thể biết hàng quý doanh nghiệp sử dụng bao nhiêu từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Thêm nữa Bộ sẽ tiếp tục công khai sâu hơn nữa, rõ hơn nữa Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bộ trưởng Dũng khẳng định, trong khi sử dụng các công cụ ở điều chỉnh giá, thứ tự ưu tiên được xếp cao nhất vẫn là người tiêu dùng trước, sau đó là DN và Nhà nước.
Ngay sau đó chiều ngày 7/10, Bộ Tài chính công bố tình hình trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ BOG giá xăng dầu tính đến hết quý III năm 2013.
Cụ thể, tổng số trích Quỹ BOG xăng dầu trong Quý III (từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 30/9/2013) là 1.043,765 tỷ đồng. Tổng số sử dụng Quỹ BOG xăng dầu trong Quý III (từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 30/9/2013) là 1.040,629 tỷ đồng. Số dư Quỹ BOG xăng dầu đến hết Quý III (đến hết ngày 30/9/2013) là 58,601 tỷ đồng.
Đây là lần thứ hai Bộ Tài chính thực hiện công khai BOG. Trong lần công bố đầu tiên vào ngày 9/7/2013 số dư Quỹ BOG đến Quý II (đến hết ngày 30/6/2013) là 55,467 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, thông qua việc công khai Quỹ BOG, sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp và người dân giám sát việc quản lý, sử dụng quỹ BOG xăng dầu cũng như giám sát việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường mà Chính phủ và các Bộ, ngành đang kiên trì thực hiện.
Trước đó khi bàn việc sử dụng Quỹ, một chuyên gia kinh tế cho rằng, theo quy định, Quỹ Bình ổn chỉ được sử dụng vào mục đích bình ổn giá. Đó là khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng khiến giá cơ sở tăng cao hơn giá bán lẻ.
Theo vị chuyên gia này, giá xăng dầu trong nước không thể điều chỉnh theo giá thế giới, do Bộ Tài chính đang cho tính giá cơ sở theo 30 ngày.
Quãng thời gian này quá dài, khiến giá cơ sở trồi sụt theo giá thế giới càng nhiều. Chỉ khi nào hết sử dụng Quỹ Bình ổn, lúc đó mới có thể điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo sát hơn với tín hiệu thị trường.
Một chuyên gia kinh tế khác lại cho biết, mức chiết khấu mà các DN đầu mối xăng dầu trích cho các đại lý lên tới 700-800 đồng/lít xăng bán lẻ. Chính vì thế, bán được càng nhiều, DN nhập khẩu càng có lãi. Đây chính là nguồn cơn khiến các DN đang có một cuộc chạy đua ngầm về mức chi hoa hồng chia cho các đại lý từ 200 đồng tăng lên gấp 4 lần như hiện nay.
“Trong cuộc chạy đua này, thế mạnh sẽ thuộc về những DN có hệ thống bán lẻ tốt. Tuy nhiên, chi phí hoa hồng, xét cho cùng người tiêu dùng phải gánh”, vị chuyên gia nói.
Theo Baodatviet.vn