Thế nhưng, trái với mong đợi của người tiêu dùng về giá sữa sẽ giảm thì nhiều cửa hàng, đại lý sữa lại "đe" tiếp tục tăng giá sữa...
"Sữa sẽ lại tăng giá"...
Đây là câu nói của nhiều chủ đại lý sữa lớn ở Hà Nội khi được hỏi về giá sữa thời điểm sau 20.11. Ông Nguyễn Văn Hà- chủ một cửa hàng sữa tại phố Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, các hãng sữa ngoại đều đã có "thông báo miệng" tới các đại lý rằng sẽ tăng giá sữa nhưng phải tránh thời điểm 20.11 nếu không muốn bị "phiền toái". "Giá sữa tăng dịp cuối năm là theo quy luật của mặt hàng này, nếu không vì Thông tư 30 thì họ đã tăng giá rồi, một hãng sữa ngoại đã cho biết sẽ tăng giá 10% ngay từ cuối tháng 11"- ông Hà nói. Theo ông Hà, nếu các hãng sữa ngoại tăng giá thì các hãng sữa nội cũng sẽ "đứng ngồi không yên", song trong bối cảnh sữa nội đang lấy lòng tin của người tiêu dùng thì việc sữa nội tăng giá tới đây sẽ ít xảy ra hơn.
Giá sữa vẫn chưa có dấu hiệu được bình ổn.
Thực tế, trước thời điểm 20.11 vài tuần thì giá các loại sữa nhập khẩu bán tại các đại lý đã kịp tăng từ 3-5% so với thời điểm "nổ" ra vụ thu hồi sữa nghi nhiễm khuẩn.
Có thể nói suốt một thời gian dài bị dư luận phản ứng nhưng giá sữa vẫn không hề lung lay, thậm chí còn âm thầm tăng lên từng tí một. Theo chuyên gia giá cả Ngô Trí Long, Thông tư 30 chỉ chuẩn hóa lại tên gọi thuộc diện quản lý giá của Nhà nước bao gồm cả sữa và thực phẩm dinh dưỡng nằm trong diện kiểm soát về giá. Còn thực chất để kiểm soát được triệt để và hiệu quả giá sữa, Nhà nước sẽ còn cần phải sử dụng nhiều biện pháp và công cụ khác. Nếu không sau 20.11, giá sữa vẫn có cách để leo thang bất chấp quy định của nhà nước.
Bao giờ "quản" được?
Việc ban hành Thông tư 30, theo các chuyên gia, mới chỉ dừng ở việc quy định cụ thể trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng. Còn cơ chế bình ổn giá vẫn phải phụ thuộc vào điều kiện thực tế. Các doanh nghiệp vẫn được phép tăng giá nếu có báo cáo giải trình cụ thể.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, doanh nghiệp có thể "vin" vào cớ như thay đổi mẫu mã, bao bì, lương thưởng, giá nguyên vật liệu, chi phí tiếp thị… để đòi được tăng giá sữa. Do vậy, nếu không kiểm tra nghiêm túc và kiểm tra được chi phí kinh doanh của doanh nghiệp thì cũng không xử được việc tăng giá sữa bất hợp lý.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng nêu quan điểm rằng, nếu chỉ quản lý giá theo cách đăng ký thì vẫn chưa thể giải quyết được sự tăng giá bất hợp lý. Vì "các doanh nghiệp có thể kê khai giá sữa nhập cao để "lách" mà cơ quan hải quan khó xử lý được. Nếu không cẩn thận thì tới đây, giá sữa nhập khẩu sẽ trở nên "loạn xạ" không kém giá sữa bán lẻ thời gian qua" - ông Phong nói.
Trước lo ngại của giới chuyên gia, ông Nguyễn Xuân Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, căn cứ theo danh mục những mặt hàng sữa và sản phẩm sữa ban hành, từ 20.11, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra hoạt động kinh doanh sữa. "Khi đưa sữa và các sản phẩm từ sữa vào diện phải quản lý giá thì chắc chắn những đơn vị kê khai giá không đúng với cơ cấu giá sẽ được hạn chế. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài Chính kiểm tra việc tăng giá của các đơn vị kinh doanh sữa thuộc diện phải kê khai giá, nếu giá không phù hợp, liên bộ sẽ yêu cầu các doanh nghiệp điều chỉnh theo đúng quy định" - ông Chiến nói.
Theo Dân Việt