Sáng ngày 9/9, Đội 6, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường PC49, Công an TP. Hà Nội bất ngờ kiểm tra và phát hiện cơ sở sản xuất mỡ bẩn ra thị trường. Chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Nga, xóm Ngõ Lý, thôn Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng.
Hơn 100 lít mỡ nước sản xuất từ thịt bẩn có nguy cơ "tuồn" ra thị trường
nếu không được cơ quan chức năng phát hiện kịp thời.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1 tấn mỡ nước cùng nhiều thực phẩm chế biến mỡ, tóp mỡ và bì lợn ngổn ngang khắp cơ sở chế xuất khá mất vệ sinh... bằng hình thức đun, rán.
Ngoài ra, còn có 75kg bì mỡ lợn sống, 140kg bì lợn đã qua sơ chế và 1310 lít mỡ nước, 110kg tóp mỡ lợn.
Toàn bộ số hàng hóa trên đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Mỡ nước được nấu trong những chiếc chảo cáu bẩn.
Đại diện PC49 cho biết, qua khai nhận ban đầu của chủ cơ sở sản xuất kinh doanh này, mỗi ngày cơ sở này bán ra thị trường khoảng 400-500 lít mỡ/ngày, giá bán khoảng 50.000 lít. Cơ sở của bà Nga bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2012.
Hiện vụ việc đang được PC49 tiếp tục điều tra, làm rõ.
Mỡ bẩn độc hại như thế nào?
Việc sử dụng mỡ bẩn để chế biến thực phẩm và những thực phẩm đó đi vào cơ thể là vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe. Nguy hiểm từ khâu nguồn gốc xuất xứ đến khâu chế biến và bảo quản.
Thực tế, cơ quan chức năng đã bắt giữ và phát hiện rất nhiều vụ sản xuất, chế biến và vận chuyển mỡ lợn bẩn thỉu, dễ gây mầm bệnh đối với con người. Tuy nhiên, hiện tại những loại mỡ này vẫn nhan nhản ngoài thị trường.
Theo các chuyên gia về công nghệ thực phẩm, việc chế biến mỡ lỏng và tóp mỡ từ mỡ heo bẩn bằng phương pháp đun nóng thông thường (nhiệt độ khoảng 180-2000C) không thể loại trừ các chất gây độc và độc tố từ quá trình biến đổi trước đó. Đặc biệt, quá trình đun nóng ở nhiệt độ cao lại tiếp tục làm sản sinh độc tố cho sản phẩm.
Nguyên liệu chế mỡ bẩn đều không có nguồn gốc.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định: “Việc sử dụng loại mỡ bẩn này để chế biến đồ ăn bán cho khách là vô cùng nguy hiểm, nếu loại mỡ này rán ở nhiệt độ cao trên 180 độ C sẽ sinh ra những chất gây hại như: andehit, chất oxy hóa…
Đặc biệt, các chất này khi rán ở nhiệt độ cao sẽ bay hơi trong không khí và vô cùng nguy hiểm nếu hít phải. Mặt khác, loại mỡ này nếu tái sử dụng sẽ tạo ra nhiều cặn lẫn chung vào mỡ, ăn vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhẹ thì đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, thở khó… Nặng thì, tim đập chậm, huyết áp tăng cao, có thể gây nên bệnh ung thư nguy hiểm đến tính mạng".
Nói về việc chế biến từ bóng bì, thịt thừa thành mỡ nước, ông Thịnh cho biết thêm, khi chế biến thông thường họ dùng oxy già để tẩy trắng thực phẩm. Tuy nhiên, ô xy già lại không diệt hết được các loại vi khuẩn cũng như mầm bệnh từ lợn như viêm cầu, tai xanh, lở mồm, long móng… Vì thế, việc dùng phải thành phẩm của nhưng con lợn mang bệnh hoặc ủ mầm bệnh thì hậu họa khôn lường đối với sức khỏe.
Không những thế, ô xy già cũng có nhiều loại, nếu mua phải loại không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường thì vô cùng nguy hiểm khi dùng để tẩy trắng thực phẩm. Vì những loại hóa chất độc hại có trong ô xy già sẽ gây ra biến chứng như ảnh hưởng đến thần kinh, rối loạn tiêu hóa và các bộ phận khác trên cơ thể”, ông Thịnh cho biết.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, khi sử dụng các hộ gia đình phải hết sức lưu ý, không dùng những loại dầu mỡ đón can, đóng chai, bán theo kiểu cân một. Tránh xa những loại dầu, mỡ khổng rõ nguồn gốc và khi sử dụng nếu thấy có mùi lạ phải bỏ ngay không nên tiếc của rồi lại “rước bệnh vào thân”.
Theo Nguoiduatin.vn