Cụ thể, VCBS cho rằng, trong 2 tháng cuối năm, khả năng có yếu tố gây đột biến cũng như căng thẳng cung cầu trên thị trường ngoại hối là rất thấp.
Về cuối năm, theo yếu tố mùa vụ, nhu cầu ngoại tệ sẽ cao hơn khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu hàng để phục vụ sản xuất, đáp ứng các đơn hàng cuối năm. Đồng thời, thâm hụt thương mại cũng gia tăng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, do nguyên liệu đầu vào của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nguồn ngoại tệ vẫn ổn định và đủ sức đáp ứng nhu cầu. Cụ thể là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tăng qua từng tháng, và dự trữ ngoại hối vẫn ở khoảng 12 tuần nhập khẩu. Trong khi đó, dự báo về kiều hối từ World Bank cũng rất khả quan, với con số khoảng 11 tỉ USD trong năm nay. Bên cạnh đó, yếu tố cung cầu, việc lạm phát được kiểm soát tốt và ở mức tương đối thấp cũng làm giảm áp lực lạm phát.
VCBS cho rằng tỷ giá sẽ được điều chỉnh tăng 1%, nhưng không phải trong năm nay mà vào đầu năm 2014. Việc điều chỉnh, nếu có sẽ phù hợp với chính sách nới lỏng, hạ giá đồng Việt Nam và duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh sự ổn định của nền kinh tế được đảm bảo.
Theo Tri Thức Trẻ