Tại cuộc làm việc của Thủ tướng với Bộ Công Thương mới đây, ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết hiện tại, giá than và khí đã được điều chỉnh theo thị trường, dẫn đến chi phí tăng và tác động rất lớn đến tình hình tài chính của EVN. Theo ông Thanh, cần có giải pháp đồng bộ về giá của các mặt hàng than, khí, điện.
Nhiều áp lực tăng giá
Nếu như trước đây, giá than bán cho điện chỉ bằng khoảng 60%-70% giá thành sản xuất thì nay đã thực hiện theo giá thị trường, với mức tăng 4%-10% kể từ ngày 1/1/2014. Trong khi đó, giá than chiếm tới 50% tổng chi phí sản xuất điện. Đó cũng là nguyên nhân khiến EVN đã phải mua điện từ các nhà máy nhiệt điện với giá cao hơn năm 2013 (hiện nhiệt điện chiếm tới 45,9% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống).
Quý I/2014, EVN lỗ trên 2.000 tỉ đồng, chủ yếu do phải phát
điện từ nguồn điện giá cao. Ảnh: Tấn Thạnh
Bên cạnh giá than, giá khí bán cho điện cũng đã tăng lên. Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết giá khí bán cho điện đã tăng với phần trên bao tiêu, tức là phần ngoài cam kết giữ giá. Phần tiền tăng giá khí này EVN vẫn chưa thanh toán cho phía PVN.
Riêng trong năm 2014, theo tính toán của EVN, chi phí sản xuất điện sẽ tăng thêm ít nhất 5.500 tỉ đồng do chi phí đầu vào và thuế tài nguyên nước tăng. Ngoài ra, yếu tố tỉ giá cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến chi phí của doanh nghiệp. Do đó, trong quý I/2014, tập đoàn này cho biết đã lỗ trên 2.000 tỉ đồng, chủ yếu do cơ cấu phát điện phải huy động nhiều công suất từ nguồn điện giá cao, ít thủy điện.
Trong khi đó, phần lỗ lũy kế còn lại từ những năm trước vẫn còn tới 8.000 tỉ đồng. Với các khoản lỗ của ngành điện, EVN cho biết Chính phủ đã cho phép tập đoàn này được hạch toán dần cho đến hết năm 2015, trong đó có cả thông qua việc tăng giá điện.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng chỉ ra thực tế: Năm 2014, EVN phải huy động vốn đầu tư khoảng 123.654 tỉ đồng - tăng 17,3% so với năm 2013, trong khi số nợ gốc và lãi vay đã lên tới 33.000 tỉ đồng. “Mục tiêu sản xuất, kinh doanh của EVN cũng như các tập đoàn nhà nước khác là phải có lãi, chưa kể phải xử lý nợ, lỗ lũy kế. Cụ thể, số nợ 33.000 tỉ đồng được EVN đặt mục tiêu thanh toán trong năm 2014. Hơn nữa, giá thành sản xuất luôn được công bố tăng qua các năm. Vậy thì khó tránh khỏi việc EVN tiếp tục xin tăng giá điện” - ông Thắng nhìn nhận.
Giá điện phải theo thị trường
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng theo nguyên tắc và lộ trình, giá các loại mặt hàng than, khí phải theo thị trường. Trong đó, phần than, khí bán cho điện cũng không thể đứng ngoài thị trường và chịu lỗ.
“Giá than, khí tăng sẽ làm cho chi phí sản xuất điện tăng lên. Do đó, giá điện tới đây cũng cần thiết phải được điều chỉnh tăng lên. Tuy nhiên, cần phải tính toán, cân đối các thông số đầu vào cơ bản cho sản xuất điện, để có mức điều chỉnh về giá điện hợp lý” - ông Ngãi bày tỏ.
Theo ông Ngãi, cuối năm 2013, EVN mới tăng giá điện thêm 5% - mức thấp nhất tập đoàn này được phép tăng, thấp hơn mức dự báo ban đầu mà nhiều chuyên gia đưa ra là 7%-10%. Mặt khác, phần lỗ lũy kế của EVN vẫn chưa xử lý xong nên áp lực tăng giá điện trong năm 2014 là khá lớn.
Theo Quyết định số 69 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, có thể điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, thời gian điều chỉnh tối thiểu giữa 2 lần là 6 tháng. EVN chỉ được đề xuất tăng giá điện trong khoảng 7%-10%; nếu tăng giá hơn 10% phải được sự thẩm định của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tổng hợp trình lên Thủ tướng xem xét, quyết định.
Thực tế, đầu năm 2014, EVN đã từng xin tăng giá điện nhưng chưa được sự đồng ý của Chính phủ nên giá vẫn giữ nguyên ở mức bình quân 1.508,85 đồng/KWh. Việc áp dụng biểu giá bán lẻ điện mới từ ngày 1-6 vừa qua thực chất không làm thay đổi giá bán điện bình quân mà chỉ thay đổi ở một vài nhóm khách hàng.
Mục tiêu tăng ít nhất 34 đồng/KWh
Hiện nay, giá bán điện bình quân đang ở mức 1.508 đồng/KWh. Theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2014, EVN đặt mục tiêu có lãi và giá bán điện bình quân tăng lên 1.533,09 đồng/KWh, tức tăng khoảng 34 đồng/KWh. Tuy nhiên, theo EVN, xét về tỉ suất lợi nhuận so với chủ sở hữu thì mới đạt 2%, thấp hơn rất nhiều so với chuẩn quốc tế là 7%-12%.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết nếu EVN đề xuất tăng giá điện thì bộ sẽ xem xét đến phương án, mức giá có hợp lý hay không và việc quyết định tăng giá cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Người Lao Động