Chị D., chủ sạp quần áo tại chợ Phú Lâm, cảnh báo: "Nói thu nhập mấy chục triệu đồng, có người cả tỷ đồng/tháng, nhưng tôi thấy họ ăn trưa với xôi, chuối chiên, khoai lang... Họ chỉ có cái mã để "dụ" người ta thôi". Nghe theo lời dụ dỗ của các công ty kinh doanh hàng đa cấp, nhiều người lỡ sa chân vào mới biết mình bị lừa. Để gỡ gạc, họ tiếp tục lừa người khác, thậm chí là người thân của họ. Trên diễn đàn, trước mặt mọi người, "đại lý' của các công ty kinh doanh hàng đa cấp lúc nào cũng tỏ ra là người thành đạt, tự tin, giàu có nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, thậm chí không ít người bị chửi là lừa đảo. Ăn xôi để dành tiền mua giày, áo vest Buổi sáng, đến khu vực tiền sảnh chợ Phú Lâm (quận 6, TP HCM), chúng tôi chứng kiến từng tốp nam nữ thanh niên, người già, sinh viên... mặc áo vest, váy đen công sở lần lượt đi vào tầng 1 chợ Phú Lâm, nơi có chi nhánh của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đang hoạt động.
Nhiều người xếp hàng đóng tiền để được làm "đại lý" cho Công ty Unicit
Một phụ nữ dáng người đẫy đà, hét to qua điện thoại: "Yên tâm, muốn làm giàu, tự lập thì bồ tự tin theo mình; thu nhập bảo đảm không dưới 20 triệu đồng/tháng nếu bồ nhiệt tình với công việc!". Thấy chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên, chị D., chủ sạp quần áo tại chợ Phú Lâm, cảnh báo: "Nhìn vậy chứ toàn nói xạo không đó em, đừng có tin! Nói thu nhập mỗi người thấp nhất là mấy chục triệu đồng, có người cả tỷ đồng/tháng, nhưng tôi thấy họ toàn ăn trưa với xôi, chuối chiên, khoai lang...". Chị D. vừa dứt lời thì người đàn ông ngồi cạnh nói tiếp: "Có mấy đứa thuê nhà trọ trong hẻm trên đường Mã Lò gần đây mà không trả tiền, bị chủ chửi lên chửi xuống hoài. Tui nhìn là biết họ chỉ có cái mã bên ngoài để "dụ" người ta thôi". Chúng tôi tiếp cận người phụ nữ lúc nảy để xin làm "đại lý", bà ta nhanh miệng: "Đơn giản thôi, chỉ cần cô bỏ ra 7 triệu đồng mua hàng rồi giới thiệu càng nhiều người vào mua sản phẩm thì thu nhập càng cao". Gặp chúng tôi, Ngô Hữu Phương, sinh viên năm 2 Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải 3, cho biết mấy tháng trước, em được phụ nữ này giới thiệu làm "đại lý" cho Công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Tưởng dễ kiếm thêm thu nhập nhưng thực tế chỉ là người đi trước "dụ" người đi sau mua hàng với giá cao ngất ngưởng để hưởng hoa hồng. "Ai vào công ty cũng bị bắt phải kiếm tiền mua áo vest, quần tây, đi giày tây, xách cặp táp cho lịch sự. Mỗi lần vào tập huấn thì phải tỏ ra tự tin, thành đạt, nhưng trong túi đôi khi chỉ có vài chục ngàn đồng nên em nhục lắm. Sau hai tháng bấm bụng làm "đại lý", không đành lòng dụ người nhà mua hàng nên em đành bỏ cuộc" - Phương nói. Không dám về quê Với mong muốn được làm "đại lý" cho Công ty Unicity, chúng tôi đến lầu 9, tòa nhà Vimedimex ở số 264 Cống Quỳnh, quận 1, TP HCM để nghe thuyết trình với chủ đề "8 bước kinh doanh thành công". Sau đó, chúng tôi được sự hướng dẫn của một thanh niên tên Hùng, sinh viên năm cuối Trường Đại học Luật TP HCM, để chập chững vào nghề.
Sau khi "vẽ" cho chúng tôi cơ hội làm giàu có một không hai, Hùng ra điều kiện: "Muốn trở thành đại lý, chị phải bỏ ra 20 triệu đồng để mua 13 sản phẩm thực phẩm chức năng của công ty. Đây là cơ hội tốt nhất mà em trao cho chị! Nghe hoàn cảnh của chị, em thấy tội nghiệp quá. Chị cứ tham gia vào đây, chỉ trong thời gian ngắn bảo đảm sẽ lấy lại được tất cả những thứ đã mất...". Nhìn thẳng vào Hùng, tôi hỏi: Là sinh viên luật, em hiểu rõ hơn ai hết làm gì có nghề nào lại kiếm tiền dễ như vậy? Thấy tôi đánh bài ngửa, sau một hồi quanh co, Hùng bộc bạch: "Em bị một bạn học lừa vào đây chị à. Ban đầu, em cũng chẳng tin nhưng sau thấy bạn ấy khoe vừa học vừa làm "đại lý" bán hàng đa cấp, kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng nên nghe theo". Sau khi nghe lời "đường mật" và do cha mẹ ở quê nghèo khó, không xin được tiền nên Hùng bán chiếc xe máy được 8 triệu đồng, tài sản quý nhất mà gia đình sắm cho để làm phương tiện đi học, đồng thời vay mượn thêm đủ 20 triệu đồng để mua hàng, trở thành "đại lý" của Công ty Unicity. "Vừa mua hàng xong, tài khoản của em được "thối lại" hơn 3 triệu đồng, mừng lắm chị!" - Hùng nói. Thế nhưng, mọi chuyện không đơn giản như Hùng tưởng tượng. Nhiệm vụ tiếp theo của em là phải "dụ" cho được 10 người vào đường dây, đồng thời thuyết phục mỗi người bỏ ra 20 triệu đồng mua hàng thì lúc đó mới được tiền hoa hồng. "Em đã "dụ" được 4 người, toàn là bà con dưới quê. Bây giờ họ cũng rơi vào hoàn cảnh như em. Lúc đầu, em bỏ học và nói dối gia đình là đi làm thêm, đến khi biết chuyện thì má em buồn đến sinh bệnh. Em chỉ mong sao lấy được số tiền đã trót bỏ vào đây rồi đi học lại. Em xấu hổ quá không dám vác mặt về quê nữa" - Hùng bày tỏ. Trường hợp của Hùng không phải là cá biệt, còn rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh tương tự chỉ vì mong muốn làm giàu nhanh chóng qua hình thức bán hàng đa cấp.
Ai cả tin sẽ lãnh hậu quả Những đơn vị, cá nhân bán hàng đa cấp có cùng kịch bản là lấy phần tiền của "đại lý" cấp hai trả cho "đại lý" cấp một; lấy tiền của "đại lý" cấp ba trả cho "đại lý" cấp hai... Hầu hết các sản phẩm mua bán ở đây đều không có giá trị sử dụng mà chỉ là phương tiện giao dịch để người chơi tự lừa đảo nhau. Cuộc chơi này bao giờ cũng kết thúc bằng sự trốn chạy của nhà tổ chức, để lại hậu quả cho những người nhẹ dạ cả tin. |
Theo Người lao động