Chuyện ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bỏ bất động sản để làm nông không còn gì là mới (ông Đức sang Lào, Campuchia trồng cao su từ năm 2008). Nhưng sự kiện ông bầu đến từ phố núi Gia Lai bỗng thông báo sẽ nuôi lấy hơn trăm ngàn con bò sữa, với số vốn vài ngàn tỷ đồng lại khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên.
Để hiểu thêm phần nào những hành động dường như có phần khác người của vị đại gia này, người viết xin điểm qua một vài lý do "có lý" khiến bầu Đức không tiếc hầu bao dốc cho thương vụ bò sữa sắp tới.
Đầu tiên là thực tế "người Việt đang quá lùn và mới uống rất ít sữa"
Người Việt đang sở hữu chiều cao trung bình ở mức thấp nhất Đông Nam Á. Với đề án “Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt giai đoạn 2011-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cải thiện chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam, thị trường sữa sẽ còn tiếp tục được đầu tư và tăng trưởng trong thời gian tới.
Giai đoạn 2008-2013, dù suy thoái kinh tế, nhưng doanh số sữa tại Việt Nam năm 2013 đã tăng gần gấp 3 lần so với năm 2008. Có thể nói, trong các ngành hàng tiêu dùng thiết yếu tại Việt Nam, sữa là ngành có động lực mạnh nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng.
Theo nghiên cứu của Nielsen, năm 2012 mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam là 15 lít mỗi năm, thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (34 lít/năm), Trung Quốc (25 lít/năm) và Anh (112 lít/năm). Cục chăn nuôi Việt Nam ước tính người dân sẽ tiêu thụ gấp đôi mức hiện nay, lên đến 28 lít sữa/năm vào năm 2020.
Là một trong các ngành hàng phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu của Việt Nam, thị trường sữa năm 2013 đạt mức doanh thu 62,2 ngàn tỷ đồng (2,9 tỷ USD), tăng 16,5% so với năm 2012. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kép của ngành sữa trong giai đoạn 2010-2013 là 14%. Euromonitor dự đoán, doanh thu của ngành sữa Việt Nam sẽ tăng lần lượt 20% và 23% vào năm 2014-2015.
Cần nói thêm rằng, doanh thu ngành sữa Việt Nam hiện chủ yếu đến từ 2 phân khúc chính là sữa bột và sữa uống. Hai phân khúc này chiếm 74% thị trường sữa với 45,9 nghìn tỷ đồng (2,2 tỷ USD) doanh thu.
"Ai cũng làm sữa, mà chẳng mấy người nuôi bò"
Theo công ty chứng khoán VPBS, Việt Nam hiện có khoảng hơn 20 doanh nghiệp sản xuất và chế biến sữa nhưng doanh nghiệp tự chủ hoàn toàn về nguyên liệu mới chỉ có hãng sữa TH True Milk đầu tư bài bản vào trang trại nuôi bò, với 45.000 con bò, trong đó số bò cho sữa mới được khoảng 50% và sản lượng khoảng 400 tấn sữa tươi/ngày.
Các doanh nghiệp khác chỉ tự chủ được một phần sữa nguyên liệu, còn lại là thu mua của nông dân và nhập khẩu như Vinamilk, Nutifood, FrieslandCapina Vietnam, Mộc Châu...
Rõ ràng, ngành sữa Việt Nam đang đối mặt với sự mất cân bằng cung - cầu sữa tươi nguyên liệu nghiêm trọng. Đàn bò sữa trong nước (184.216 con bò) chỉ có thể cung cấp 420.000 tấn sữa nguyên liệu, chỉ đáp ứng khoảng 28% tổng nhu cầu sản xuất năm 2013.
Ngay cả doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam là Vinamilk, thì cũng đồng thời là doanh nghiệp thu mua sữa lớn nhất cả nước, mua về đến 60% lượng sữa tươi nguyên liệu của nông dân trên toàn quốc. Lớn thứ hai là công ty FrieslandCapina Vietnam (nhãn sữa Cô gái Hà Lan) thu mua 82.000 tấn sữa tươi, tương đương 20% lượng sữa tươi cả nước.
Đàn bò sữa Việt Nam mới chỉ đáp ứng vỏn vẹn 28% nhu cầu sữa tươi trong nước, rõ ràng việc nhập khẩu 72% còn lại là điều tất yếu mà các doanh nghiệp sữa nội đã và đang làm. Việt Nam hiện đứng trong top 20 nước trên thế giới nhập khẩu nguyên liệu sữa. Theo đó, năm 2013, nước ta nhập khẩu đến 1,2 triệu tấn sữa bột nguyên liệu, với giá trị lên tới 841 triệu USD.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu dẫn đến rủi ro biên lợi nhuận giảm do biến động giá sữa bột nguyên liệu thế giới.
Với nước cờ "nuôi bò mà không làm sữa" (cung ứng sữa tươi cho Nutifood), sữa bò của HAGL vừa không lo ế, mà cũng chẳng lo cạnh tranh với Vinamilk hay Cô gái Hà Lan (nắm đến 2/3 thị phần sữa). Vấn đề là nuôi thế nào để có lãi?
Nếu nuôi bò, chi phí "nặng" nhất là thức ăn, mà thức ăn HAGL có thừa
Trong chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi chiếm đến 75%, nếu không chủ động được nguồn thức ăn, việc chăn nuôi bò sữa không khéo sẽ càng đẩy giá thành sữa nguyên liệu cao hơn. Chưa kể các chi phí đầu tư ban đầu dành cho chuồng trại, bãi chăn thả, con giống... Chính bởi vậy, dù cung - cầu sữa tươi nguyên liệu đang mất cân bằng nghiêm trọng nhưng không nhiều doanh nghiệp sữa trong nước chú trọng đến việc tạo đầu vào thông qua chăn nuôi bò sữa.
Với vấn đề này, theo ông Đức, HAGL tự chủ tốt về cả nguồn thức ăn và đồng cỏ chăn thả.
Bầu Đức lặn lội qua Lào và Campuchia tìm đất làm nông nghiệp từ năm 2008. Đến nay, ông đã có 10.000 hecta mía và 6.000 hecta bắp. Áp dụng công nghệ Israel, sản lượng mía ông thu hoạch có công suất cao gấp rưỡi ở Việt Nam.
Từ những "phế phẩm" của các cây ngắn ngày mà tập đoàn này đang trồng trên đất Lào, như nguồn bã cọ dầu, nhà máy đường 50.000 tấn mật rỉ và hàng trăm nghìn tấn hạt bắp, thân bắp phụ phẩm, lại "sẵn" đất chăn thả và hơn 30.000 ha cỏ đang được trồng, ông Đức nuôi bò không những không tốn thức ăn, mà còn là cách "tận dụng" triệt để một số phế phẩm đáng ra bị bỏ đi.
Để chắc ăn, trước khi bắt tay nuôi bò sữa, ông Đức còn chủ trương tiến hành nuôi bò thịt trước để... lấy kinh nghiệm. Theo kết quả hợp tác mới đây, công ty Vissan sẽ là đối tác chính bao tiêu đầu ra cho lượng bò thịt này của HAGL.
Trên cơ sở đã có sẵn 70% nguồn thức ăn “thừa”, ông Đức cho rằng nếu HAGL đưa thị trường nuôi bò vào thì sẽ lãi từ 60% trở lên.
Nuôi bò vừa tận thu phế phẩm từ cây, vừa gom được... phân bón cho cây
Theo tính toán ban đầu, dự án 6.300 tỷ tại Lào của ông Đức sẽ nuôi tổng cộng 236.000 con bò, trong đó 116.000 bò thịt và 120.000 bò sữa, hoàn thành vào năm 2017. Với con số này, lượng bò sữa mà HAGL sở hữu năm 2017 tương đương với gần 40% tổng số bò sữa trong nước.
Ông Đức từng bình phẩm: “Bò Việt Nam nuôi mỗi ngày vắt 15 lít sữa (một con), bò chị Hương TH Milk nuôi vắt được 25 lít, còn Israel họ nuôi bò cho 45 lít sữa”. Như vậy, với những kĩ thuật chăn nuôi bò học hỏi từ công nghệ của Israel, nếu thực hành suôn sẻ, 120.000 con bò sữa mà ông Đức sở hữu năm 2017 có thể cho lượng sữa tương đương đàn bò trong nước (trong khi số lượng gần gấp 3).
Chưa hết, nuôi bò lấy thịt, vắt sữa đã đành, chất thải của chúng còn được thu gom chế biến thành phân hữu cơ.
Trong một chia sẻ mới đây với báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đức cho biết: "Một con bò ăn 40 kg thức ăn/ngày và thải ra khoảng 10 kg/ngày. Khi tổng đàn đạt 120.000 con, thu gom được 1.200 tấn/ngày, tương đương 438.000 tấn/năm. Với giá thành 1,2 triệu đồng/tấn, khi sử dụng nguồn phân này để bón cho cây, HAGL đã tiết kiệm khoảng 525 tỷ đồng/năm. Nước thải cũng không thải ra ngoài mà đưa vào hệ thống tưới cây".
Tính toán chi tiết để quay vòng tối đa mọi nguồn lực, tháng 4 vừa rồi, tại đại hội cổ đông thường niên của HAGL, chủ tịch Đoàn Nguyên Đức tự tin khẳng định: "Nếu làm đúng thì doanh thu cả trăm tỷ, nghìn tỷ cũng đạt được, thậm chí lợi nhuận nhiều nghìn tỷ đồng/năm vẫn có được". Có vẻ như con bò sẽ là "cỗ máy in tiền" mới của bầu Đức trong tương lai.
Theo CafeBiz.vn