Trăng xanh là hiện tượng mặt trăng tròn 2 lần trong 1 tháng. Khi hiện tượng này xảy ra không có nghĩa là mặt trăng sẽ phát ra ánh sáng màu xanh. Thuật ngữ tiếng Anh để chỉ hiện tượng 'Trăng xanh' là ‘Blue moon’. Trên thực tế, mặt trăng có màu xanh khi ‘Blue moon’ xảy ra thường là do ô nhiễm không khí khiến các hạt bụi làm phân tán tia ánh sáng.
‘Trăng xanh’ xảy ra do lịch dương chúng ta đang sử dụng không trùng khớp với chu kỳ của mặt trăng. Một năm thường có 12 kỳ trăng tròn tương ứng với 12 tháng trong năm. Tuy vậy, do chu kỳ quay của mặt trăng quanh trái đất là 29,5 ngày còn các tháng trong năm lại thường có 30 hoặc 31 ngày nên một năm dương lịch nhiều hơn 11 ngày so với năm âm lịch. Điều này dẫn đến việc cứ khoảng 2 – 3 năm sẽ có 1 năm âm lịch sở hữu 13 tháng tương ứng với 13 lần trăng tròn.
Hai lần xảy ra hiện tượng ‘Blue moon’ mà mặt trăng có màu xanh thực sự là vào năm 1980 và 1991. Khi đó sự ô nhiễm không khí khiến các hạt bụi làm phân tán tia sáng xanh. Thậm chí vào năm 1883, núi lửa hoạt động ở Indonesia và phun lượng tro bụi rất lớn vào khí quyển thì Mặt trăng còn có màu xanh trong nhiều đêm.
Theo công bố của các nhà khoa học, trong tháng 7/2015 mặt trăng tròn 2 lần vào ngày 2 và 31. Cũng theo tính toán thì phải đến tháng 1/2018, hiện tượng 'Trăng xanh' mới tiếp tục diễn ra. Trên thực tế, xét về mặt kỹ thuật thì trăng chỉ tròn ở một khoảnh khắc chứ không kéo dài khi hiện tượng 'Trăng xanh' diễn ra.
Tiến Nguyễn (Theo Giadinhvietnam.com)