Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo ven đô, từ nhỏ ông Bùi Đăng Núi đã phải lao động vật vả kiếm sống. Không cam chịu số phận, ông quyết chí tìm ra những cách làm giàu mới để thay đổi vận mệnh của mình và hy vọng có thể giúp đỡ những người nông dân khác cùng làm giàu.
Vào khoảng những năm 1990, ông Núi lăn lộn đi khắp các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Bạc Liêu, Cần Thơ... rồi sang cả Thái Lan, Trung Quốc để tầm sư học hỏi bí kíp chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Sau khoảng 4 năm đi khắp nơi, thăm thú các loại trang trại, tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm, ông Núi quyết định xây dựng một mô hình chuyên nuôi ếch, ba ba tại nhà.
Ông Bùi Đăng Núi hồ hởi giới thiệu những lồng nuôi gà giống Đông Tảo.
Cầm cố sổ đỏ được hơn 100 triệu, ông đầu tư mua ếch, ba ba giống và xây dựng ao nuôi, bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng của mình. Tuy nhiên, điều kiện đất, nước và khí hậu ở miền Bắc có sự khác biệt lớn so với miền Nam. Theo ông Núi, chăn nuôi ở miền Bắc gặp trở ngại lớn nhất là có mùa đông lạnh kéo dài khiến vật nuôi không thể sinh trưởng. Vì thế, kinh nghiệm từ các mô hình trước đây ông học được đều gần như vô dụng.
Không cam chịu mất trắng, ông Núi quyết định mày mò và học hỏi thêm kinh nghiệm từ nhiều nơi khác. Ông quy hoạch lại ao, tách riêng ba ba và ếch, làm sạch nguồn nước và thả các ván xi măng cho ba ba và ếch lên phơi nắng, tránh rét. Lần nuôi ba ba, ếch năm đó không thành, nhưng nhờ lòng kiên trì và sáng tạo, những năm sau, mô hình chăn nuôi của ông Núi đều cho thu nhập khá. Với trang trại có diện tích gần 3.000 m2, mỗi năm, ông Núi xuất đi khoảng vài chục tấn ếch và ba thịt. Thị trường tiêu thụ của ông rộng khắp các tỉnh phía Bắc. Thời gian đầu chuyên sản xuất ếch, ba ba thương phẩm, ông Núi thu lãi khoảng 100-200 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, con số tiền lãi 200 triệu đồng hàng năm dường như chưa thỏa chí một người giàu ước mơ như ông Núi. Từ việc chỉ nuôi sản phẩm cho thịt, ông chuyển sang ý tưởng sản xuất ếch, ba ba giống.
Với số lượng 400 cặp ếch bố mẹ, 10.000 con ba ba các loại, mỗi tháng, ông cung cấp ra thị trường khoảng 20.000 ếch, 3 nghìn ba ba giống. Mức giá bán các con giống đều khá rẻ, ếch giống 800 đến 1.000 đồng/con, ba ba 15.000-35.000 đồng/con. Nhờ ý tưởng "lấy ngắn nuôi dài", mỗi năm trang trại của ông cho thu nhập hơn 400 triệu đồng từ ba ba và ếch.
Ao nuôi ba ba của ông Núi. Vào mùa đông lạnh, ba ba gần như không sinh trưởng mà chỉ
ngủ vùi tránh rét. Theo ông Núi, nuôi ba ba cần nhất là phải đảm cung cấp nguồn nước
sạch sẽ, chú ý thả bào tây để ba ba có trú ẩn náu, tránh rét.
Bên cạnh đó, ông Núi còn thường xuyên theo dõi, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng của người dân. Nhận thấy nhu cầu về gà Đông Tảo, gà tây, cá sấu, tổ yến tăng cao, ông mạnh dạn thuê một lô đất rộng khoảng 11 ha ở Bạc Liêu chuyên nuôi cá sâu và chim yến. Ông thuê riêng một người quản lý trang trại tại Bạc Liêu và thường xuyên đến thăm nom, điều hành công việc từ xa qua điện thoại và mạng Internet. Mỗi năm, cộng cả thu nhập từ 2 trang trại, nông dân này cầm chắc hơn nửa tỷ đồng trong tay.
4 năm trước, ông Núi theo học kinh nghiệm nuôi gà tây từ lớp tập huấn của bộ NN&PTNT. Kết thúc khóa học, ông mạnh dạn thuê thêm một lô đất rộng khác ở quê để chuyên nuôi gà Tây. Hiện, trang trại này có sức chứa khoảng 1.000 con gà thương phẩm và gần 1.000 gà tây giống.
Theo ông Núi, gà tây rất nhanh lớn, nuôi đúng kỹ thuật thì chỉ mất 5 tháng là gà đạt trọng lượng 14-15 kg. Với giá 80.000 đồng/kg, chỉ tính riêng một con gà, người nuôi đã thu về hơn 1 triệu đồng. Hơn nữa, giống gà này chủ yếu ăn rau, cỏ nên dễ chăm sóc, chi phí nuôi thấp. Nếu nuôi nhiều, có thể cầm chắc bạc triệu trong tay.
Không dừng lại ở đó, ông Núi còn đầu tư nuôi gà Đông Tảo, một loại gà quý hiếm, cho giá trị kinh tế cao. "Loại này khó nuôi lắm vì lúc nhỏ dễ chết. Chúng lại đẻ thưa, mỗi năm chỉ cho vài quả trứng nhưng giá bán cao, lên tới 5 triệu đồng/con", ông Núi nói.
Ngoài thời gian dành cho trang trại, ông Núi còn thường xuyên đi khắp nơi hướng dẫn lại kỹ thuật chăn nuôi cho các nông dân khác. Ông cũng là một trong những người đầu tiên đề ra sáng kiến kết hợp giữa trồng lúa với nuôi ốc, chạch, cua và cá rô đồng. Mô hình này khá hiệu quả ở những vùng đất chiêm trũng, đem lại thu nhập cao gấp 5 lần so với cấy lúa thông thường. Ý tưởng của ông được công nhận và áp dụng rộng ở Thái Bình và các tỉnh miền Trung.
Ngoài nuôi gà tây thương phẩm, ông Núi còn sản xuất gà giống với giá bán
25.000 đồng/con mới nở.
Dù được từng được bộ NN&PTNT công nhận là một nông dân giỏi, có ý tưởng làm giàu sáng tạo nhưng ông Núi vẫn hết sức khiêm nhường. Ông luôn cho rằng, thành công của mình phải đánh đổi bằng nhiều bài học đắt giá. Với ông, chăn nuôi bao giờ cũng đi liền với rủi do. "Nhìn đám vật nuôi lớn nhanh thế thôi nhưng chỉ cần thời tiết trái mùa một chút là chúng đổ bệnh rồi chết la liệt hết. Những cái xưa nay tôi có chỉ là kinh nghiệm vay mượn mỗi nơi một chút và sự mày mò, chiêm nghiệm của bản thân nên việc chăn nuôi càng dễ gặp rủi ro", nông dân tỷ phú chia sẻ.
Về dự định trong tương lai, ông khiêm tốn cho hay: "Giờ tôi cũng già rồi nên không 'máu' mở rộng quy mô chăn nuôi như trước. Tuy nhiên, tôi tự thấy mình là người mạnh dạn, dám chuyển đổi vật nuôi để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với tôi, thành công là khi chúng ta biết nhìn rộng, xa và thực tế hơn. Đó có lẽ cũng là điều quyết định đến việc duy trì ổn định cơ ngơi nho nhỏ này".
Theo Zing.vn