Đó chính là rau khúc, nguyên liệu để làm món xôi khúc. Trước đây, loài cây quen thuộc này mọc dại thường hay cho lợn, gà... bây giờ nhiều người săn lùng. Thậm chí, loại rau dại này ngày càng trở nên khan hiếm, đẩy giá cả lên cao bất ngờ. Trên các sàn thương mại điện tử, loại rau dại này cũng được bán ở dạng trữ đông, đóng gói hút chân không, 100gr lá khúc có giá từ 45.000 - 50.000 đồng, tức 500.000 đồng/kg.
Để làm được món ngon đặc sản bánh khúc chúng ta không thể thiếu rau khúc. Cây rau khúc còn có tên gọi khác là khúc nếp, khúc tẻ, rau khúc vàng..., Đây là loại rau dại mọc rải rác khắp thế giới, nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới. Ở vùng quê nước ta mọc ở rất nhiều nơi.
Tuy là cây dại nhưng loại rau này nếu biết chế biến sẽ lên tầm đặc sản. Ngoài làm bánh, rau khúc cũng có thể ăn như một món rau thông thường, có thể luộc, xào, nấu canh...
Thông thường ngoài tự nhiên rau khúc chẳng cần trồng, bởi chúng mọc dại rất nhiều ở các bờ rào, bờ bụi. Điểm nổi bật, hạt của loại rau này năm trước ngủ vùi trong đất, gặp mưa xuân là trổ lên tơi bời, khóm sau chen khóm trước xanh mướt quanh các gốc rạ ở những thửa ruộng đã gặt. Đặc biệt cứ mỗi dịp sau Tết, chớm khí xuân, là lúc rau khúc nhiều và ngon nhất.
Rau khúc tên khoa học là Gnaphalium affine D. Don (Gnaphalium multiceps Wall.), thuộc họ Cúc (Asteraceae)… có thể luộc hoặc nấu canh ăn như các thứ rau khác, nhưng chủ yếu được sử dụng để làm bánh khúc, nên người ta mới đặt tên là cây rau khúc. Rau khúc còn có tên là "khúc nếp", "thử khúc thảo", "thử nhĩ", "hoàng hoa bạch ngải", "phật nhĩ thảo", "thanh minh thảo"…
Có thể nhiều người không biết, trong rau khúc có chứa nhiều hợp chất thiên nhiên có lợi đối với sức khỏe. Toàn cây còn chứa tinh dầu nên dùng cây tươi là tốt nhất. Để bảo quản tinh dầu, khi sắc nên để nước sôi rồi mới cho rau vào, sôi lại tắt bếp và dùng ngay.
Bên cạnh đó nếu muốn làm thuốc, cũng có thể phơi khô để dùng dần, thường hái lá hoặc toàn cây. Khi dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hãm. Tốt nhất thu hái lúc cây chưa trổ hoa hoặc cây đã ra hoa nhưng chưa nở.
Ngoài ra, trong đông y rau khúc có ngọt, tính bình; vào 3 kinh phế, tỳ và vị; có công dụng khu phong tán hàn, hóa đàm, giảm ho, lợi thấp, giải độc; dùng trong trường hợp cảm mạo phong hàn, ho nhiều đờm, khí suyễn, phúc tả, bạch đới, tỳ hư thủy thũng, còn dùng chữa phong thấp đau nhức. Dùng ngoài chữa lở ngứa ngoài da, phong chẩn mẩn tịt, mụn nhọt sưng đau...
Gợi ý một số bài thuốc dân gian từ cây rau khúc dại:
- Chữa đầy bụng, tiêu chảy: Rau khúc khô 60g, kê nội kim (màng mề gà) 1 cái; sắc uống trong ngày.
- Có thể giảm ho có đờm: Rau khúc khô 20g, đường phèn 15-20g; sắc nước uống trong ngày. Hoặc dùng rau khúc tươi, thái nhỏ cho vào một ít đường, hấp vào nồi cơm, gạn lấy nước uống.
- Chữa cảm nắng, sốt, ho: Rau khúc 30g, thanh cao 15g, bạc hà 9g; sắc nước uống trong ngày.
- Giảm cảm lạnh, sốt, ho: Rau khúc 20g (hoặc 40g tươi), tía tô 12g, kinh giới 12g, sắc uống trong ngày.
- Trị viêm họng: Rau khúc khô 30g, ma hoàng 6g, khoản đông hoa 9g, hạnh nhân 9g, bạch tiền 9g; sắc uống.
- Trị cao huyết áp: Rau khúc khô 12g, câu đằng 9g, tang ký sinh 9g; sắc uống trong ngày.
Bài thuốc trên trước khi áp dụng nên hỏi và tham khảo lời khuyên từ bác sĩ.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)