"Dời non lấp biển"
Năm 1997, ông Đào Hồng Tuyển đã bán toàn bộ tài sản lấy tiền mua đất đổ xuống biển làm thành con đường dài hơn 2km nối đất liền với đảo Tuần Châu (khi ấy là một xã đảo nghèo không có điện, nước).
Khi đó, một trong những dự án được coi là điên rồ nhất là dự án của Chủ tịch công ty TNHH Âu Lạc Đào Hồng Tuyển: Đầu tư 80 tỉ đồng mua đất để lấp biển, xây dựng con đường độc đạo dẫn từ đất liền ra đảo Tuần Châu, đổi lại sẽ được khai thác 98 ha đất trên đảo.
Dự án khởi động đúng lúc kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng, có thời điểm không thể huy động cũng như vay thêm vốn từ ngân hàng, bạn bè xa lánh do sợ ông Tuyển vỡ nợ, phá sản. Ba năm sau, con đường ra đảo hoàn thành, trở thành biểu tượng chinh phục thiên nhiên của người Quảng Ninh lúc bấy giờ.
Phối cảnh xây dựng đảo Tuần Châu.
15 năm tiếp theo là khoảng thời gian ông Tuyển cho xây dựng 110 km đường quanh đảo, 55 công trình giải trí và biệt thự, bến du thuyền lớn nhất thế giới, đưa diện tích khai thác trên đảo từ 98 ha lên gần 700 ha. Từ đây, người ta cũng gọi ông là "Chúa đảo".
Khi được hỏi về kế hoạch bị coi là "điên khùng" lúc bấy giờ, ông Tuyển cho biết: "thời điểm đắp đường ra đảo Tuần Châu đúng là không ai dám làm. Khi tôi nói ý định đắp một con đường qua biển nối đất liền với đảo Tuần Châu, nhiều người nói tôi bị… tâm thần".
Sự liều lĩnh nhưng có tầm nhìn chiến lược giúp ông hiện tại đang sở hữu một khu du lịch, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế với hàng loạt các dự án bất động sản trị giá hàng ngàn tỷ đồng trên đảo Tuần Châu cùng 16 công ty khác trải dài từ Bắc vào Nam hoạt động trên nhiều lĩnh vực, được gọi chung là “Tập đoàn Tuần Châu”.
Đặc biệt, Tuần Châu đang rất nổi tiếng, ngoài sân golf, ông Tuyển cũng đã xây dựng xong một cảng biển, tiến hành đóng 100 du thuyền hiện đại. Từ cảng biển này sang đảo Cát Bà là con đường gần nhất, chỉ mất 20 phút đi bằng phà du lịch. Từ đây du thuyền qua Hồng Kông, Ma Cao... đều rất thuận lợi.
Dốc lòng làm từ thiện
Đầu tháng 10/2005, UB TƯ Mặt trận Tổ quốc VN đã tiến hành đấu giá căn biệt thự rộng 1.245,4m2 do ông Đào Hồng Tuyển hiến tặng. Giá của căn biệt thự được ước tính lên tới 12 tỷ đồng. Số tiền thu về được dùng để xây 800 căn nhà cho nạn nhân bão số 7.
Ngôi biệt thự tuyệt đẹp, tọa lạc trên một triền đồi trong Khu du lịch và giải trí quốc tế đảo Tuần Châu (Hạ Long, Quảng Ninh) có chiều dài 38,8m mặt tiền, rộng 33,74m.
Biệt thự hơn chục tỷ được ông Đào Hồng Tuyển quyên góp làm từ thiện.
Tại thời điểm đấu giá, ngôi biệt thự mới vừa hoàn tất xây dựng được 2 tháng, chủ nhân còn chưa kịp ở. Nhưng trước cảnh "màn trời chiếu đất" của đồng bào mình, ông Đào Hồng Tuyển đã quyết định hiến ngôi nhà mới của mình.
Ông Tuyển cho biết, toàn bộ nội thất sang trọng của căn biệt thự này sẽ được tặng cho người thắng đấu giá. Căn biệt thự có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, đã được chủ nhân chính thức trao cho Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngoài ra, Chủ tịch Đào Hồng Tuyển cũng chính là người đã đứng ra quyên góp 1 triệu USD ủng hộ các nạn nhân trong thảm họa sóng thần ngày 11/3/2011 ở Nhật.
Ông Tuyển cho biết, ông nghe được tin về thảm họa tại Nhật lúc ô tô của ông đang chạy trên cầu Bãi Cháy ở tỉnh Quảng Ninh và chợt nhớ ra đây là cây cầu được xây dựng bằng vốn ODA của Nhật Bản.
"Chúa đảo" nghĩ rằng Nhật Bản chính là nước đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của Việt Nam. Từ trong tâm, ông đã nghĩ cần phải làm gì đó để hỗ trợ và cũng là để trả ơn cho họ. Ngay lập tức, ông liên hệ với Hội Hữu nghị Việt - Nhật và đề nghị được quyên góp 1 triệu đô la.
Sau đó, ông nhận được hồi âm từ Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam và được yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản. Sau khi đã chuyển khoản 1 triệu đô la, ông mới cho phép báo chí đưa tin.
Ông làm thế vì không thích bị đàm tiếu là sử dụng hành động thiện nguyện để đánh bóng tên tuổi. Ông Tuyển nói với vẻ trầm ngâm: “So với những gì Nhật Bản đã hỗ trợ cho Việt Nam thì 1 triệu đô la chỉ là một số tiền ít ỏi, tôi thật sự ngạc nhiên về hiệu ứng mà số tiền này đem đến”.
Không dừng ở đó, sau khi nghe kể về những nỗ lực vượt nghịch cảnh của những em học sinh cấp 2 bị mất cha mẹ do sóng thần ở thành phố Ishinomaki, ông đã đề nghị được hỗ trợ 50.000 đô la tiền học phí cho các em.
Khoản đãi người tài
Theo tin tức, 16h30 chiều 30/8/2011 tại khu biệt thự Paradise Villa - Bến du thuyền Tuần Châu, Quảng Ninh đã diễn ra lễ trao tặng ngôi biệt thự ven biển trị giá 3 triệu USD của ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu, cho Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán.
Nằm ngay cạnh Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới, căn biệt thự Paradise Villa không phải đắt nhất thế giới nhưng được coi là một trong những căn biệt thự đẹp nhất thế giới bởi vị trí đắc địa của nó.
GS Ngô Bảo Châu và ông Đào Hồng Tuyển ký kết trao tặng căn biệt thự.
Thông tin từ Tập đoàn Tuần Châu cho biết, xuất phát từ sự ngưỡng mộ đối với trí tuệ toán học kiệt xuất của GS Ngô Bảo Châu, bằng tình cảm, lòng yêu nước và trách nhiệm với thế hệ tương lai của đất nước, ông Đào Hồng Tuyển hy vọng, ngôi biệt thự này sẽ là nơi nghỉ ngơi của các cán bộ Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán và là địa điểm đón tiếp các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới.
Nâng niu người đẹp
Trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004 tổ chức tại đảo Tuần Châu, Trịnh Chân Trân là cái tên được mọi người nhắc tới nhiều. Khuôn mặt đẹp, thân hình chuẩn từng milimet và đặc biệt là tấm bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh giúp cô vượt trội hơn hẳn so với các thí sinh khác trong cuộc thi, kể cả hoa hậu được trao vương miện năm đó.
Câu trả lời ứng xử của người đẹp gốc Hoa trong đêm chung kết cuộc thi cũng được đánh giá là thông minh, trôi chảy, đầy tự tin và hiếm gặp trong lịch sử các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Vì vậy, nhiều người tỏ ra khá bất ngờ khi Trịnh Chân Trân chỉ đoạt ngôi Á hậu 1, còn ngôi vị Hoa hậu năm đó lại thuộc về người đẹp đất Cảng Nguyễn Thị Huyền.
Á hậu Trịnh Chân Trân (bên trái)
Tuy nhiên, sự bất ngờ Trịnh Chân Trân mang lại cho khán giả không dừng lại ở đó. Ngay sau cuộc thi, cô Á hậu mới vừa tròn 22 tuổi quyết định bỏ qua những dự định xa xôi ở nước ngoài để sát cánh cùng "Chúa đảo" Đào Hồng Tuyển trong cương vị phó Tổng giám đốc công ty Âu Lạc.
Dù có tấm bằng thạc sĩ kinh doanh cộng với sự thông minh, sắc sảo nhưng nhiều người cho rằng, một cô gái trẻ như Chân Trân khó lòng có thể ngồi lên chiếc ghế quan trọng tới vậy trong một công ty lớn như Âu Lạc nếu như không có sự ưu ái của "chúa đảo".
Chỉ ít lâu sau khi gây xôn xao dư luận bằng cách đảm nhận chức vụ phó Tổng giám đốc công ty Âu Lạc, Trịnh Chân Trân đã lặng lẽ rời bỏ Tuần Châu và rút lui khỏi làng giải trí.
Lấp vịnh Hạ Long
Mới đây, vào tháng 1/2015, người ta lại một lần nữa nhắc đến sự "ngông" của "Chúa đảo" Đào Hồng Tuyển khi doanh nghiệp của ông đề nghị với UBND tỉnh Quảng Ninh về phương án điều chỉnh quy hoạch khu du lịch - giải trí quốc tế Tuần Châu (thành phố Hạ Long). Ý tưởng chủ đạo của phương án là đổ hơn 20 triệu m3 đất, đá, bùn, cát xuống vịnh Hạ Long.
Việc đổ đất đá xuống vịnh để lấn thêm khoảng 400 ha mặt nước ở phía Tây của đảo Tuần Châu, phục vụ cho việc xây dựng 3 khu biệt thự lấn biển hình 3 đóa hoa (2 nhỏ và 1 lớn) trên biển.
Theo đó Tập đoàn Tuần Châu đưa ra phương án, để bảo vệ môi trường và tránh tình trạng bồi lấp Vịnh Hạ Long do quá trình san lấp mặt bằng gây ra, trong công tác san nền sẽ tạo bờ bao bằng đá ngoài biển rồi tiến hành san lấp phía trong.
Ngoài đề xuất lấn biển xây biệt thự hình đóa hoa, Tập đoàn này còn đề nghị tỉnh điều chỉnh quy hoạch mở rộng sân golf từ 18 lỗ lên thành 27 lỗ với diện tích 143 ha; mở rộng lộ giới đường dẫn từ đất liền ra đảo Tuần Châu và bổ sung cầu với chiều dài 120 mét.
Trước đó, Tập đoàn Tuần Châu đã 7 lần xin điều chỉnh quy hoạch khu du lịch giải trí Tuần Châu và lần gần đây nhất đã được chính quyền địa phương chấp thuận vào năm 2011.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long, đề án điều chỉnh quy hoạch ranh giới được mở rộng tạo bán đảo để bố trí đất ở, dịch vụ và hồ nước mặn nhân tạo có diện tích lớn (khoảng 382 ha), khoảng cách mở rộng về phía Vịnh từ 902 mét đến 1.020 mét (so với ranh giới điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng được Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt hồi tháng 2/2011 là quá lớn.
Trao đổi trên báo Đất Việt, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội khẳng định đó là ý tưởng đáng phê phán.
Ông Nghiêm cho hay: "Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên của TG, là di sản, có thể được coi là báu vật vô giá của quốc gia. Vậy muốn xây dựng đã xin ý kiến của UNESCO hay chưa, bởi khi đã được công nhận là di sản thiên nhiênthế giới, thì phải có đề xuất, phải được tổ chức thông qua".
Khái quát về tiểu sử ông Đào Hồng Tuyển: Năm 15 tuổi, ông là chiến sỹ, người trẻ nhất trong chiến tranh của Đoàn Tàu không số Quân chủng Hải quân, làm nhiệm vụ chuyên chở hàng hoá, vũ khí vào Miền Nam theo “tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển”. (Hiện ông là Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu chiến binh đoàn tàu cảm tử “ Đoàn tàu Không số Việt Nam”). - Từ 1975 - 1988: Ông mở các cơ sở chế biến bia, nước giải khát cung cấp tới khoảng 80% cho nhu cầu thị trường Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Hà Nội, Hải Phòng và tổ chức tổ hợp mua bán sắt vụn tại Tp. HCM. - Năm 1988 ông được Nhà nước bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Công ty XNK Trung ương Đoàn TNCSHCM. - Năm 1992, ông làm Giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ và XNK Khoa học kỹ thuật thuộc Viện Khoa học Việt Nam. - Năm 1994, ông chuyển sang làm Phó Chủ tịch Hội phân bón Việt Nam. - Từ năm 1997 đến nay: ông rời Nhà nước thành lập Công ty TNHH Âu Lạc để thực hiện dự án Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu- Hạ Long nay đã phát triển thành Tập đoàn Tuần Châu. Ông là người chủ duy nhất sở hữu tài sản trên đảo Tuần Châu và công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh được thành lập dưới hình thức công ty gia đình với 95% vốn tự có. Theo Tập đoàn Tuần Châu |
Theo Nguoiduatin.vn