Tiếp quản sự nghiệp từ chồng
Là Chủ tịch HĐQT tập đoàn Nam Cường, bà Lê Thị Thúy Ngà lại ít xuất hiện trên báo giới, cũng khá xa lạ so với công chúng. Trước đây, bà Ngà thường đứng sau cái bóng của chồng - ông Trần Văn Cường.
Khởi nghiệp từ tổ hợp dịch vụ vật tư nông nghiệp và vận tải Xuân Thuỷ năm 1985, doanh nghiệp của doanh nhân Trần Văn Cường lần lượt đầu tư một số dự án tại Hải Phòng, Hải Dương... đến tháng 8/2009 chính thức đổi tên là CTCP Tập đoàn Nam Cường, và cùng lúc triển khai nhiều dự án đường giao thông, khu nhà ở, đô thị tại Hà Nội như: đường trục phía bắc Hà Đông; đường trục kinh tế Bắc - Nam; đô thị mới Cổ Nhuế, Dương Nội, Thạch Phúc, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ...
Năm 2010, bên cạnh những những tác động chung của nền kinh tế Việt Nam, có thể nói đây là giai đoạn vô cùng khó khăn của tập đoàn Nam Cường Hà Nội, khi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc qua đời. Ông Cường mất trước ngưỡng tuổi 53, sau một thời gian lâm bệnh nặng, để lại khó khăn chồng chất, rất nhiều khối lượng công việc dở dang phải xử lý.
Bà Ngà thừa nhận, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã mang khó khăn bao trùm lên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và du lịch - khách sạn.
Là một doanh nghiệp BĐS, Nam Cường đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi Nhà nước có những biện pháp và chính sách để kiềm chế lạm phát và quản lý chặt chẽ tài chính: cắt gói kích cầu cho vay ưu đãi để duy trì sản xuất, chính sách ưu đãi thuế cho ngành du lịch, khách sạn và một số ngành khác cũng bị cắt giảm; Nghị định 71 và thông tư 16 ra đời với chủ trương làm tăng tính minh bạch cho thị trường BĐS nhưng đã làm giảm tính thanh khoản trong giao dịch bất động sản. Ngân hàng nhà nước ban hành thông tư 13 hạn chế tín dụng cho vay đầu tư vào BĐS...
Khối tài sản kếch xù
Bà Ngà tiếp quản vai trò Chủ tịch tập đoàn Nam Cường, cùng các con tiếp tục điều hành tập đoàn triển khai các dự án lớn tập trung chủ yếu ở Hà Nội đưa Nam Cường đã vượt qua thời khủng hoảng.
Ông Trần Văn Cường và vợ, bà Lê Thị Thuý Ngà trong một chuyến công tác
năm 11/2007. (Ảnh: CAND)
Trong khi thị trường BĐS đang phải đối mặt với sự trầm lắng, Nam Cường vẫn nổi với nhiều chương trình bán hàng. Đặc biệt, việc mở bán gần 1.000 căn hộ chung cư khu CT7, CT8, HH2 tại khu ĐTM Dương Nội theo hình thức bốc thăm.
Năm 2010, Nam Cường tiếp tục đầu tư triển khai thi công đồng loạt hệ thống đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật tại các địa phương Hà Nội, Hải Dương, Nam Định.Tiêu biểu là chiến dịch thi công hoàn thiện tuyến đường trục phát triển kinh tế phía Bắc quận Hà Đông và tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.
Được biết, cho tới thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của tập đoàn Nam Cường đạt 4.500 tỷ đồng. Riêng cá nhân bà Lê Thị Thúy Ngà sở hữu cổ phần xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, chiếm 88,86% cổ phần.
Giả sử như cổ phiếu của Tập đoàn Nam Cường được niêm yết trên sàn chứng khoán và giao dịch tại mức giá bằng với giá trị sổ sách thì với 8.700 tỷ đồng, bà Ngà sẽ vượt qua bầu Đức thành người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán sau chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Nếu tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cp) thì bà Ngà cũng vững chắc ở vị trí số 2, đe dọa vị trí người giàu số hai của Bầu Đức.
Tập đoàn này là chủ đầu tư của các khu đô thị nổi tiếng như Cổ Nhuế, Phùng Khoang, Dương Nội (Hà Nội) cùng nhiều dự án khu đô thị ở Nam Định, Hải Dương. Trong hệ thống khách sạn của tập đoàn Nam Cường, hiện có 2 khách sạn đang hoạt động kinh doanh gồm: khách sạn Nam Cường Hải Phòng (4 sao) mở cửa đón khách từ năm 1998; khách sạn Nam Cường Hải Dương (4 sao) mở cửa đón khách từ năm 2006.
Ngoài ra, Tập đoàn hiện đang triển khai hàng loạt các dự án khách sạn quốc tế tầm cỡ từ 4 - 5 sao tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Hòa Vượng (Nam Định), Dương Nội (Hà Đông), Phùng Khoang (Hà Nội)...
Vẫn còn nhiều khó khăn
Năm 2011, doanh thu của Nam Cường đạt 967 tỷ đồng, với lãi sau thuế đạt 117 tỷ đồng, cùng tổng tài sản hơn 19 nghìn tỷ đồng. Điều này tương ứng tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản và trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt vỏn vẹn 1,2% và 0,6%.
Tuy vậy, đây cũng là thời gian mà các doanh nghiệp bất động sản nói chung đều gặp khó khăn nên tỷ suất lợi nhuận thấp là điều không quá ngạc nhiên.
Mới đây, thông tin về việc tập đoàn Nam Cường đề xuất với thành phố Hà Nội trả lại dự án khu đô thị Quốc Oai mà trước đó là dự án khu đô thị Thạch Thất đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây là lần đầu tiên có doanh nghiệp xin trả lại dự án bất động sản.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và thị trường bất động sản trầm lắng, cơ hội hồi phục có thể chỉ tới sau 2-3 năm nữa, việc trả lại dự án của Nam Cường có thể coi là một phép tính khôn ngoan, nhất là khi những dự án doanh nghiệp này trả lại đều không phù hợp quy hoạch chung. Trả dự án không phù hợp với quy hoạch đồng thời đề nghị được giao những dự án phù hợp hơn sẽ tạo thêm cơ hội phát triển cho chính doanh nghiệp và phần nào lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư thứ cấp, những người tham gia góp vốn cùng dự án.
Theo Vietnamnet.vn