Sau 3 phiên giảm liên tiếp cuối tuần trước, trong 2 phiên giao dịch đầu tuần mới, cổ phiếu Thủy sản Vĩnh Hoàn nhanh chóng tăng trở lại với khối lượng đặt mua tăng mạnh. Cổ phiếu VHC tiếp tục xoay quanh ngưỡng 55.000 đồng/cp một cách khá vững chắc. Như vậy, chỉ trong vòng khoảng 3 tháng giá cổ phiếu VHC của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đã tăng gần gấp đôi.
Cú bứt phá ngoạn mục của một trong tốp 3 DN thủy sản hàng đầu của Việt Nam này đã giúp chủ tịch kiêm tổng giám đốc Trương Thị Lệ Khanh vượt qua ông vua tôm Dương Minh Ngọc từng dính tin đồn người tình Mỹ Tâm để đứng số một trong lĩnh vực thủy sản. Bên cạnh đó, Bà Khanh còn vượt qua nhiều đại gia kỳ cực khác để lần đầu tiên lọt vào tốp 10 người giàu nhất trên TTCK.
Với gần 30,4 triệu cổ phiếu VHC, tương đương 50,3% cổ phần của Thủy sản Vĩnh Hoàn, bà Lệ Khanh có tài sản quy ra tiền tương đương gần 1.700 tỷ đồng, đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên TTCK, thay cho những cái tên vốn một thời ngự trị trên tốp đầu của bảng này như: Trương Gia Bình, Đặng Thành Tâm...
Đây là lần đầu tiên một phụ nữ tự lèo lái một DN lọt vào tốp 10. Xếp trên bà Khanh còn có 4 phụ nữ giàu có khác, bao gồm: Phạm Thu Hương, Phạm Thúy Hằng, Vũ Thị Hiền và Nguyễn Hoàng Yến. Tuy nhiên, họ đều là phu nhân hoặc người thân của các ông trùm trên sàn chứng khoán như: Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Nguyễn Đăng Quang.
Bà Trương Thị Lệ Khanh đã trở thành nữ tỷ phú giàu nhất trên thị trường
chứng khoán
Sự bứt phá của bà Lệ Khanh đáng nể ở tốc độ nhanh và thời điểm. Kết quả này trái ngược với thảm cảnh đại gia thủy sản lâm nguy diễn ra khá phổ biến trên khắp khu vực ĐBSCL sau những cái tên đã vấp ngã như Bianfishco của nữ đại gia Diệu Hiền, hay như: Phương Nam, Thiên Mã, Sông Hậu...
Vĩnh Hoàn của bà Khanh đang vượt lên trên nhiều đại gia trong lĩnh vực ngân hàng, BĐS, công nghệ, chứng khoán, bán lẻ... để bước vào top 10 tỷ phú Việt Nam và chiếm ngôi hậu - nữ tỷ phú số một Việt Nam.
Theo CTCK CTS, trong 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn là DN có giá trị xuất khẩu dẫn đầu mặt hàng cá tra. Trong khi giá trị xuất khẩu cá tra toàn ngành nửa đầu năm sang thị trường Mỹ giảm thì VHC vẫn duy trì được thị phần tại thị trường này.
Một điểm bất ngờ đối với nhiều nhà đầu tư là Vĩnh Hoàn đã đi ngược so với tình cảnh thua lỗ, khó khăn, vỡ nợ của rất nhiều DN thủy sản khác. Trên sàn chứng khoán, các DN như AVF, ATA, BAS, ACL, TS4... đều đang lỗ hoặc lãi rất ít.
Trong khi các DN xuất khẩu thủy sản cạnh tranh nhau bán giá thấp trước sức ép nợ ngân hàng, trả nợ cho nhà máy thức ăn... thì Vĩnh Hoàn khá an toàn bởi nợ đa phần thấp hơn vốn chủ sở hữu. DN này cũng chủ động cá tra nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Vĩnh Hoàn là DN có giá trị xuất khẩu dẫn đầu mặt hàng cá tra.
Như vậy, mấu chốt của sự thành công của Vĩnh Hoàn trong thời gian gần đây đã được xây dựng trong cả chục năm hoạt động trước đó. Vĩnh Hoàn đã xây dựng được vùng nguyên liệu đáp ứng đến 70% nhu cầu chế biến xuất khẩu. DN không dùng đòn bẩy tài chính quá đà, vay ở mức vừa phải.
Năm 2009-2010 là thời điểm kinh tế toàn cầu suy thoái, không ít DN thủy sản trong giai đoạn này đã gục gã. Tuy nhiên, Vĩnh Hoàn vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng vài chục phần trăm/năm. Bên cạnh đó, bà Khanh với những quyết định đầy táo bạo như sản xuất các thực phẩm có giá trị gia tăng như collagen..., mua bán thâu tóm những DN có thị trường, có vùng nguyên liệu lớn như Vạn Đức Tiền Giang... có lẽ là yếu tố góp phần vào thành công của Vĩnh Hoàn.
Trên TTCK, giới đầu tư cũng chứng kiến khá nhiều nữ doanh nhân với chiến lược "cày sâu", tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi như Mai Kiều Liên ở Vinamilk, Phạm Thị Việt Nga ở Dược Hậu Giang, Nguyễn Thị Mai Thanh tại REE... Sự chắc chắn trong hành động của các nữ doanh nhân này giúp DN phát triển bền vững và có những cú bứt phá ngoạn mục trong khó khăn.
Tuy vậy, ở Vĩnh Hoàn cũng như một số các DN khác, sự tập trung vào một lĩnh vực nhất định cũng có hạn chế. Rủi ro về thị trường về chính sách có thể khiến DN bị rơi vào khó khăn.
Theo Vietnamnet.vn