Nổi nhanh
Cặp anh em Nguyễn Đức Thụy - Nguyễn Xuân Thủy không chỉ được biết đến là người trẻ tuổi và giàu có mà được biết đến với phong cách rất 'sành' và 'ngông' khi đổ tiền những đam mê của mình.
Rút hoàn toàn khỏi bóng đá gần 1 năm nay nhưng tên tuổi bầu Thụy, bầu Thủy vẫn được nhắc đến. Dường như họ đã ghi đậm dấu ấn một giai đoạn bùng nổ của bóng đá Việt Nam. Đây cũng là cặp anh em duy nhất cùng làm bóng đá, thay nhau làm ông bầu một đội bóng rồi sau đó cùng dứt tình với bóng đá cho dù đây là "đam mê từ nhỏ" của họ.
Nói đến bầu Thụy và bầu Thủy, rất nhiều người hâm mộ bóng đá xem họ như là người làm bùng nổ một cuộc chạy đua đổ tiền tấn mua các ngôi sao trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam với những kỷ lục gây sốc trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ với những thương vụ cả chục tỷ đồng để mua một cầu thủ như trung vệ Phước Tứ, Đình Luật, Huỳnh Kesley... hay lời đồn về bầu Thụy lặn lội mang 5 tỷ đồng lót tay để mong muốn có được tiền vệ Trọng Hoàng với bản hợp đồng 2 năm.
Cặp anh em Nguyễn Đức Thụy - Nguyễn Xuân Thủy được biết đến
với phong cách rất 'sành' và 'ngông
Cũng giống như anh trai, bầu Thủy cũng nổi đình nổi đám khi tiếp bước người anh quản lý đội Xi măng Xuân Thành Sài Gòn. Ông Thủy đã nhanh chóng nổi danh là ông bầu trẻ nhất V-League (khi mới 24 tuổi) và cách tiêu tiền như nước với cả trăm tỷ đồng ném vào thị trường chuyển nhượng.
Ăn mặc trẻ trung sành điệu và lịch lãm, sự nổi bật của anh em doanh nhân Thụy-Thủy còn ở cách ăn chơi vượt trội với sự xuất hiện của dàn siêu xe gồm những cái tên như Phantom, Rolls Royce Ghosht, Maybach 62s, Mercedes S-Class, BMW 7-Series, Lexus Ls600hl, Lx570, X5 4.8, Range Rover...
Không chỉ bóng đá, anh em nhà bầu Thụy còn "chơi tới bến" ở các lĩnh vực khác như vụ đầu tư mua đứt cổ phần chi phối của CTCK Vincom từ tay một đại gia hàng đầu tại Việt Nam và rồi đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thành để lấn sân vào TTCK một thời từng hấp dẫn, trước khi tìm cách bán đổ bán tháo.
Có khá nhiều điểm chung ở 2 anh em nhà bầu Thụy, từ vóc dáng khuôn mặt, sự trẻ trung, sự mạnh mẽ trong lời nói, việc làm và nhất là ở những quyết định táo bạo, có phần hơi tùy hứng, đầu tư một vài trăm tỷ dễ như trở bàn tay bất chấp kết quả sẽ như thế nào.
Đầu tư rất lớn, đầu tư bằng mọi cách, không tiếc tiền nhưng khi cần 2 anh em nhà ông Thụy cũng sẵn sàng vứt bỏ. Điểm khác có lẽ chỉ ở cách phát ngôn, bầu Thủy kín tiếng hơi đôi chút và không trực ngôn như người anh.
Ẩn sâu
Khá nhiều người gần đây cho rằng V-League giờ đây đã vắng bóng những ông bầu "nổ", những ông bầu chịu chơi và thị trường chuyển nhượng do vậy sẽ yên ả hơn. Người hâm mộ bóng đá gần đây không còn xôn xao với những kỷ lục mới, những bản hợp đồng khủng, những khoản lót tay khổng lồ và những phát ngôn hành động ấn tượng của bầu Thụy.
Dường như, hai doanh nhân trẻ tuổi đang ẩn sâu và kín tiếng hơn.
Sự rút lui khỏi chứng khoán rồi bóng đá của anh em nhà bầu Thụy một cách đột ngột, có phần phũ phàng như vậy khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu đây có phải là một sự chuyển biến về tâm tính, sở thích hay hướng đi của 2 doanh nhân này.
Mỗi tuổi mỗi một suy nghĩ, rất có thể giờ đây sở thích bóng đá đã phai nhạt. Sự phức tạp trong làng túc cầu cũng có thể là nguyên nhân khác khiến các doanh nhân "chán" bóng đá. Tuy nhiên, quyết định dấn thân vào bóng đá của 2 anh em nhà bầu Thụy có lẽ không phải chỉ là sở thích mà đây là một bài toán đầu tư.
Giống như rất nhiều ông bầu-doanh nhân khác, bầu Thụy đầu tư vào bóng đá là để khuếch trương thương hiệu Tập đoàn Xuân. Tuy nhiên, sau gần 4 năm đầu tư vào bóng đá, cái mà anh em bầu Thụy-Thủy thu về có lẽ không nhiều bởi sự nổi tiếng của Xuân Thành gắn với nhiều tai tiếng như: "bắt quân" của các đội bóng khác, khoe mẽ, đem con bỏ chợ (biếu đội bóng, bỏ giải, giải thể)...
"Đầu tư rất nhiều tiền của, công sức vào đội bóng" nhưng không thu được tiếng tốt thì việc rút lui khỏi bóng đá là một quyết định dễ hiểu. Nó đánh dấu một sự chuyển hướng trong cách làm thương hiệu cũng như đầu tư của các doanh nhân này.
Bầu Thủy khi lên nắm quyền thay anh trai đã tuyên bố chủ trương phát triển bóng đá dài hạn và có chủ trương xin thành phố phát triển tất cả các lứa trẻ, từ U13, U15, U17, cho đến U19 để xây dựng đội bóng đạt chuẩn AFC. Cam kết giờ đây đã không còn đúng và quan điểm làm bóng đá khoa học hơn, căn cơ hơn người anh giờ cũng đã thành mây khói.
Nó cũng cho thấy một sự thật là không phải ai cũng làm được bóng đá. Có người đầu tư cho bóng đá thì được lợi về thương hiệu, về chính sách, về đất đai, dự án ở "tỉnh nhà". Trong khi đó, không ít người đầu tư cả trăm tỷ vào bóng đá lại thu về tiếng xấu, sự ức chế.
Cũng người đầu tư vào bóng đá để nổi nhanh, lấy danh, đánh bóng thương hiệu rồi rút lui như một chiến thuật bởi đầu tư dài hạn vào bóng đá rất tốn tiền, không hợp với thời buổi khó khăn và không hợp với những ai nổi danh bằng cách ăn xổi.
Theo Vietnamnet.vn