Bạn có từng trải qua việc như thế này? Công việc lịch trình sắp xếp quá nhiều, việc nhà, việc ở công ty, việc bạn bè, việc yêu đương, tất cả đều dồn lại khiến bạn không biết bắt đầu từ đâu. Nên làm việc này trước hay là việc kia trước, cuối cùng chẳng làm việc gì nên hồn.
Tư duy chuyên tâm
Tức là chuyên tâm, tập trung vào làm một việc. Phương pháp cụ thể chính là mỗi sáng thức dậy, hãy nghĩ xem hôm nay việc gì là quan trọng nhất, sau đó nhất định phải làm xong nó, những việc khác cứ coi như nó không tồn tại. Sau khi bạn có thói quen như vậy, bạn sẽ phát hiện, bản thân sẽ rất thoải mái lựa chọn hoàn thành một việc và sẽ không bị những việc khác gây nhiễu.
Khi bạn không có quá nhiều lựa chọn, bạn chỉ có thể đi làm việc mà mình đã chọn sẵn. Chỉ khi bạn chuyên tâm làm một việc, hiệu suất của bạn sẽ cao hơn rất nhiều khi bạn muốn làm nhiều việc cùng một lúc. Tại sao xưa kia rất nhiều người cổ đại có thể làm nên việc lớn? Đó là vì họ có thể chuyên tâm vào làm một việc, còn trong xã hội ngày nay, xung quanh chúng ta có quá nhiều thứ mê hoặc, dụ dỗ, đặc biệt là sự phổ cập của điện thoại và máy tính khiến chúng ta dễ dàng có được cảm giác giải trí. Khi bạn thỏa mãn được mong muốn giải trí thì não của bạn trong tiềm thức sẽ né tránh những việc có tính thử thách. Đây chính là bản chất của bộ não, không phải là bạn có hành vi lười biếng hay bạn mắc chứng “cao su”.
Thế nên, để tránh xảy ra tình trạng này, cách tốt nhất chính là hãy để bộ não không có sự lựa chọn, chuyên tâm làm một việc. Việc này không phải là hạ thấp hiệu suất của bạn, vì khi bạn hoàn thành một việc, bạn sẽ phát hiện bản thân còn rất nhiều thời gian để làm một việc khác.
Tư duy liệt kê
Tư duy liệt kê tức là liệt kê hết tất cả những việc to nhỏ mà bạn nghĩ ra, viết lên một tờ giấy, lập thành một danh sách, sau đó đi hoàn thành từng việc một. Ưu điểm của việc này chính là khiến bộ não của bạn không có bất kỳ gánh nặng nào. Chúng ta đều biết, khi bộ não nhớ ra còn việc chưa làm thì bộ não sẽ cảm thấy nặng nề, làm việc không còn thoải mái nữa, tâm trạng cũng sẽ trở nên tệ hơn.
Khi bạn viết tất cả những việc cần làm lên giấy, bộ não của bạn sẽ được trút đi gánh nặng, có thể bắt đầu phân biệt những việc nào cần làm, những việc nào không cần làm. Vì thế, sau khi liệt kê danh sách xong, chúng ta sẽ sắp xếp chúng theo mức độ cấp bách và tiến hành thực hiện từng việc một. Đây cũng chính là “Quy tắc 4 góc phần tư của Stephen Covey” mà chúng ta thường nói. Trong quy tắc 4 góc phần tư, mãi mãi chỉ làm việc quan trọng nhưng không gấp, đừng để đến lúc sự việc biến thành cấp bách rồi mới bắt đầu làm. Bạn sẽ phát hiện, cuộc sống của bạn sẽ ngày càng bình tĩnh, thoải mái, tự tại. Còn những việc không quan trọng cũng không cấp bách kia thì kiên quyết không làm.
Khi bạn đã liệt kê được danh sách công việc cần làm, đồng thời tiến hành thực hiện từng bước theo quy tắc 4 góc phần tư một cách nghiêm ngặt, bạn sẽ phát hiện tất cả mọi nỗi lo lắng của bản thân đều không còn nữa, vì tất cả những việc quan trọng, cấp bách của bạn đều đã được xử lý hết, bạn sẽ có một khoảng thời gian thư thả dành cho bản thân. Khi bạn đánh dấu tích vào từng việc sau khi hoàn thành nó, bạn sẽ cảm nhận được một cảm giác mãn nguyện, cảm giác một ngày không trải qua vô nghĩa. Đây chính là ý nghĩa quan trọng của danh sách công việc.
Có một cuốn sách liên quan đến lập danh sách có tựa đề “Cách mạng danh sách”, trong đó có một khái niệm gọi là “Phương pháp luận danh sách”. Tức là liệt kê ra những việc cần làm, thực hiện danh sách một cách nghiêm ngặt, sau đó dựa vào kết quả để chỉnh sửa danh sách. Trong quá trình này, điều quan trọng nhất là hai chữ “nghiêm ngặt”. Nếu chỉ có lập ra danh sách thôi mà không thực hiện nghiêm ngặt thì chắc chắn sẽ xảy ra vấn đề.
Tư duy hoàn cảnh
Tư duy hoàn cảnh tức là tìm một hành động có thể truyền cảm hứng cho bạn, một môi trường có thể truyền cảm hứng học tập cho bạn. Vì môi trường có thể ảnh hưởng tới hành động và tư duy. Hiệu suất làm việc của bạn ở công ty chắc chắn sẽ cao hơn ở nhà, hiệu suất học tập ở thư viện sẽ cao hơn là ở quán cà phê. Đôi lúc, hoàn cảnh có thể ảnh hưởng và thay đổi tư duy, hành vi của một người. Vì thế, tuyệt đối đừng coi đi làm là một việc đau khổ. Có rất nhiều người cùng bạn học tập, làm việc, nâng cao bản thân mình, đây chẳng phải là một việc rất hạnh phúc sao?
Đương nhiên, ngoài yếu tố con người ra thì mức độ sạch sẽ của môi trường cũng sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc của bạn. Rất nhiều người sẽ lựa chọn học bài trên bàn học trong phòng nhưng có bàn học của một số người lại rất bừa bộn, tối tăm. Lúc này, nếu bạn định làm việc, học tập ở một nơi như vậy trong thời gian dài thì bạn sẽ rất khó có thể có được hiệu suất cao. Vì thế, để nâng cao hiệu suất, có thể bỏ ra chút tiền mua một cây đèn bàn, sau đó mua một số đồ trang trí đơn giản, khiến bàn làm việc hoặc bàn học của bạn trông ấm áp và hài hòa hơn. Nếu như có thể, hãy đặt một giá sách bên cạnh bàn học của bạn, ngay lập tức không khí học tập sẽ được lan tỏa khắp căn phòng.
Tư duy chế độ im lặng
Tư duy chế độ im lặng tức là trong thời gian làm việc không có bất kỳ can thiệp, làm phiền nào từ thế giới bên ngoài, có thể toàn tâm hòa vào trong công việc. Chúng ta đều biết, vũ khí ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc lớn nhất của chúng ta chính là điện thoại, một người bình thường sẽ mở điện thoại của mình hơn 100 lần. Điều này vô hình chung sẽ làm giảm hiệu suất làm việc của bạn. Vậy thì, làm thế nào để tránh bị điện thoại làm phiền?
Ở đây có một tư duy gọi là “dùng lười biếng để trị lười biếng”. Khi bạn chuẩn bị dốc toàn tâm vào công việc, bạn có thể để điện thoại tránh xa nơi làm việc hoặc để nó ở chế độ im lặng hoặc tắt hẳn máy đi. Như vậy, khi làm việc bạn sẽ không còn nghĩ tới điện thoại nữa, vì nếu bạn muốn nghịch điện thoại thì bạn sẽ phải đi thật xa, hoặc còn phải bật máy lên, còn phải nhập mật khẩu, bộ não của bạn tự nhiên sẽ cho rằng việc này thật phiền phức, từ đó sẽ lười xem điện thoại hơn. Không có điện thoại làm phiền, bạn sẽ chỉ có thể chuyên tâm vào công việc.
Tư duy này còn có thể ứng dụng vào việc “cai nghiện” mạng xã hội. Hiện nay rất nhiều người dường như đã nghiện lướt mạng xã hội, cách tốt nhất chính là xóa ứng dụng này đi. Vì khi bạn xóa nó đi, khi bạn muốn mở ra để xem thì bộ não của bạn sẽ cho rằng đó là một việc rất phiền phức, cũng sẽ không muốn cài lại và mở nó lên nữa. Cứ như vậy, đây chính là cách “dùng lười biếng để trị lười biếng”.
Tư duy giám sát
Tư duy giám sát tức là tìm một ai đó hoặc một nhóm người nào đó giám sát, đốc thúc bạn làm việc. Đồng thời còn có chế độ thưởng – phạt. Lợi ích lớn nhất của việc giám sát chính là khi bạn lười biếng không muốn hành động, người khác sẽ ở phía sau “quất một roi” vào bạn, giục bạn làm việc. Cách đốc thúc tốt nhất chính là cơ chế phạt, cũng tức là nếu bạn không hoàn thành việc gì đó thì sẽ bị phạt như thế nào. Có sự đốc thúc của mọi người, còn có cảnh cáo phạt sẽ khiến bạn tự giác bắt đầu hành động.
Đại diện của tư duy đốc thúc, giám sát chính là chế độ chấm công hàng ngày. Ở các công ty thường có các máy chấm công, khi tới làm việc bạn phải quẹt thẻ hoặc vân tay, hay đưa ra các deadline công việc để quy định thời hạn cho mỗi việc bạn cần làm. Nếu không chấm đủ công hoặc không hoàn thành đúng deadline thì sẽ bị phạt hay trừ lương. Và việc thực hiện đầy đủ chấm công hay deadline sẽ ảnh hưởng tới đánh giá thưởng cuối năm. Khi có thưởng và phạt như vậy thì bạn có còn “cao su” nữa không?
Tư duy kỳ hạn
Tư duy kỳ hạn tức là bạn tự lập một kỳ hạn cho một việc gì đó. Nếu như tới kỳ hạn rồi mà vẫn chưa hoàn thành thì sẽ có một hình phạt lớn. Bản chất “cao su” của con người chính là vì bộ não sẽ chủ động né tránh những việc không cấp bách. Vì thế, những việc rất quan trọng nhưng không cấp bách thường sẽ bị chúng ta bỏ qua. Làm thế nào để thay đổi hiện trạng này? Chính là hãy thiết lập kỳ hạn cho chúng.
Đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu về bộ não, trong não của những người không mắc chứng “cao su” chỉ có quyết sách lý trí, còn trong não của người mắc chứng “cao su”, ngoài sự lý trí ra thì còn có hình ảnh của một “con khỉ ham chơi”, khỉ chỉ thích những việc đơn giản, vui vẻ, khi cần làm việc, nó sẽ cướp đi quyền kiểm soát, tiêu tốn đa số thời gian vào những việc không có giá trị. Cuối cùng chẳng việc gì làm nên hồn khiến mọi việc bị trì trệ.
Còn con khỉ ham chơi đó chỉ sợ quái thú, con quái thú đó sẽ luôn xuất hiện vào lúc kỳ hạn tới. Khi kỳ hạn sắp tới, quái thú xuất hiện, con khỉ sẽ trốn chạy lên cây, còn bản tính lý trí sẽ giành lại quyền kiểm soát, khiến chúng ta bắt tay vào việc. Vì thế, khi bạn lập kỳ hạn cho những việc không cấp bách, chúng sẽ trở nên cấp bách hơn, lúc này, con quái thú đã xuất hiện thì tư duy lý trí sẽ giành được quyền kiểm soát, bộ não của bạn trong tiềm thức sẽ cho rằng cần phải hoàn thành công việc trong thời hạn. Cuối cùng là nhiệm vụ đã hoàn thành một cách thuận lợi.
Tư duy lặp lại
Tư duy lặp lại tức là khiến một việc nào đó lặp đi lặp lại xuất hiện trước mắt bạn, cho đến khi bạn không thể bỏ qua sự tồn tại của nó. Ví dụ như khi bạn muốn đọc một cuốn sách, vậy thì bạn sẽ mang theo nó mọi nơi, khi đi ngủ để nó ở đầu giường, khi ra ngoài thì để trong túi xách. Khi bạn có thể nhìn thấy cuốn sách này mọi lúc mọi nơi, cuốn sách này sẽ hình thành một ấn tượng sâu sắc trong não bạn. Tầm quan trọng của nó cũng sẽ được thể hiện ra, bạn cũng dễ dàng đọc hết nó.
Đặc biệt là khi bạn cần làm một việc gì đó, bạn có thể cài đặt nó làm hình nền điện thoại hoặc hình nền máy tính. Mỗi lần mở điện thoại hoặc mở máy tính lên, bạn sẽ nhìn thấy nó, bộ não của bạn tự khắc sẽ ghi nhớ để bắt bạn hành động.
Tổng kết
7 tư duy để bạn nâng cao hiệu suất làm việc:
1. Tư duy chuyên tâm, mỗi ngày làm tốt một việc, những thứ khác tạm bỏ qua.
2. Tư duy lập danh sách, liệt kê tất cả những việc cần làm ra để giải phóng bộ não.
3. Tư duy môi trường, tìm một môi trường thích hợp để học tập và làm việc.
4. Tư duy chế độ im lặng, tránh xa sự làm phiền của điện thoại, dùng lười biếng để trị lười biếng.
5. Tư duy đốc thúc, tìm một ai đó, hoặc một nhóm người nào đó đốc thúc bạn làm việc, cùng nhau tiến bộ.
6. Tư duy kỳ hạn, lập ra một deadline cho những việc không cấp bách.
7. Tư duy lặp lại, khiến một việc gì đó lặp lại xuất hiện nhiều lần trước mắt bạn cho tới khi bạn không thể lờ đi nó.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)