Xì hơi mà cũng thành nghệ thuật?
Đừng nghi ngờ, nghề này có thật đấy, chỉ là hiện nay không còn phổ biến. Từ thời Trung cổ, những người này đã có tên gọi riêng là Flatulist (ở Ireland thời đó gọi là braigetoír, địa vị thấp hơn nghệ sĩ hát rong). Họ là những nghệ sĩ kiểm soát cơ bắp xuất sắc, biểu diễn bằng cách tạo ra âm thanh "xì hơi" với cao độ và sắc thái khác nhau để chơi nhạc.
Thời xưa, nghệ thuật xì hơi là màn trình diễn độc quyền cho hoàng gia châu Âu. Mỗi Giáng sinh, nghệ sĩ Roland sẽ nhảy một điệu nhảy vừa huýt sáo vừa xì hơi. Kỹ năng này thời đó được xem là vô địch, cực kỳ nổi tiếng. Những quý cô mặc váy bó thường cười đến ngất vì tràng "xì hơi" của ông.
Theo ghi chép, Vua Henry II rất mê môn nghệ thuật này, từng thưởng cho Roland một trang viên và 30 mẫu đất.
Nhờ xì hơi, ông trở thành nghệ sĩ đắt khách nhất Moulin Rouge
Joseph Pujol (1857–1945) - nghệ danh Le Pétomane (tạm dịch: "Kẻ cuồng xì hơi"), là nghệ sĩ xì hơi nổi tiếng nước Pháp. Ông "cuồng" đến mức không chỉ hút không khí mà còn có thể hút nước vào hậu môn rồi phun ra như vòi rồng.
Lần đầu phát hiện khả năng này là khi ông đang bơi biển thời trẻ. Khi lặn sâu, ông cảm thấy bụng lạnh buốt, sau đó phát hiện nước chảy ra từ mông. Sau này nhập ngũ, trong một cuộc thi tài, ông vô tình tiết lộ khả năng đặc biệt của mình và biểu diễn thử "Hút nước trong nồi vào trực tràng rồi phun xa vài mét".
Mọi người cười nghiêng ngả, nhưng ông không hề tự ti. Ngược lại, ông nghiên cứu sâu hơn và phát triển kỹ năng mới hút khí vào rồi dùng "xì hơi" để biểu diễn. Ban đầu, ông dùng tiếng "xì" để thu hút khách ở tiệm bánh của gia đình. Dần dần, ông học cách bắt chước nhạc cụ bằng tiếng "xì", kỹ thuật ngày càng điêu luyện.
Năm 1887, ông lần đầu lên sân khấu. Năm 1892, Moulin Rouge ký hợp đồng với ông, biến ông thành nghệ sĩ xì hơi chính thức. Ông nổi tiếng với các tiết mục như bắt chước tiếng súng đạn, sấm chớp, dùng "xì hơi" thổi tắt nến, dùng ống cao su thổi sáo (hoặc sáo đất) để chơi "O Sole Mio" và "La Marseillaise", sáng tác bài hát riêng với tiếng "xì" giả tiếng động vật.
Ông trở thành nghệ sĩ đắt khách và kiếm tiền nhất thời đó, được giới quý tộc săn đón, vé luôn cháy hàng. Doanh thu mỗi tuần lên tới 20.000 franc (tương đương khoảng 16 triệu VND ngày nay).
Sau khi ông qua đời, ảnh hưởng của ông vẫn còn, nhiều nghệ sĩ đã chuyển thể cuộc đời ông thành kịch, tiểu thuyết, phim và nhạc kịch.
Theo thời gian, nghệ thuật xì hơi dần mai một và không còn thịnh hành nữa.
Xì hơi thế nào mà không thối?
Nhiều người thắc mắc, nghe xì hơi liên tục mà không thấy mùi? Thực tế, Le Pétomane luôn mặc trang phục chỉnh tề khi biểu diễn và thụt rửa trước để đảm bảo khí thải không mùi. Về bản chất, màn trình diễn của ông không phải là xì hơi thông thường. Cơ chế của ông khác với người thường.
Người thường thì khí từ miệng hoặc ruột đi xuống, còn ông dùng cơ bụng và hậu môn hút không khí vào rồi "thở ra". Nhiều nhà khoa học nghi ngờ khả năng của ông, nhưng gia đình ông từ chối cho khám nghiệm tử thi.
Đáng cười nhất là vì xì hơi kiếm được tiền, Le Pétomane dần mất "tự do xì hơi". Có lần ông dùng kỹ năng này để quảng cáo cho bạn, bị Moulin Rouge kiện và phạt tiền. Cuối cùng, để có "tự do xì hơi", ông đã tự mở rạp riêng.
Diệu Hạnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)