Dự án khu đô thị hơn 41.000 tỷ ở Bắc Ninh
Liên danh của Vingroup vừa được duyệt làm chủ đầu tư khu đô thị mới phía Tây Bắc TP Bắc Ninh (khu 1) với tổng vốn khoảng 41.270 tỷ đồng.
Thông tin này được nêu tại quyết định phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư của UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 15/5. Liên danh được duyệt gồm Tập đoàn Vingroup, Công ty TNHH tư vấn đầu tư phát triển thương mại Thanh Bình, Công ty TNHH đầu tư và phát triển bất động sản Cuộc Sống Mới, Công ty cổ phần Phú Thọ Land.
Khu đô thị này có diện tích gần 270 ha nằm tại phường Hoà Long, TP Bắc Ninh. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 41.270 tỷ đồng.
Liên danh của Vingroup được thực hiện dự án trong 7 năm. Trong đó, năm đầu tiên là để thực hiện, thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Theo quy hoạch, khu đô thị này sẽ có khoảng 60 ha đất xây dựng nhà ở, trong đó 38,1 ha nhà ở thấp tầng, 9,5 ha nhà ở xã hội, khoảng 111 ha đất hỗn hợp nhóm nhà ở và dịch vụ. Ngoài ra, dự án cũng sẽ có các công trình văn hoá, y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ...
Sau sáp nhập, dự kiến Bắc Ninh sẽ hình thành "siêu thủ phủ công nghiệp" (Ảnh minh họa).
Là một trong những thủ phủ công nghiệp phía Bắc, Bắc Ninh có lợi thế nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cửa ngõ phía đông bắc của Thủ đô.
Những năm gần đây, tỉnh này cũng nằm trong số thị trường vùng ven phát triển nhiều phân khúc bất động sản như nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp thời gian qua. Tháng trước, công ty thành viên của Phú Mỹ Hưng cũng ra mắt dự án khu đô thị với tổng vốn khoảng 27.000 tỷ đồng tại thị xã Thuận Thành.
Hạ tầng giao thông tại Bắc Ninh cũng đang chuyển biến tích cực, trong đó nổi bật với cảng hàng không quốc tế Gia Bình được xây dựng từ cuối năm ngoái. Tuyến đường kết nối sân bay này với Thủ đô dài 35 km, rộng 120 m với tổng mức đầu tư dự kiến 71.150 tỷ đồng cũng đã được TP Hà Nội đề xuất phương án triển khai.
Tại khu vực huyện Gia Bình này, Tập đoàn Vingroup cũng vừa đề xuất đầu tư dự án khu đô thị với quy mô gần 6.000 ha. Hôm 14/5, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét đề xuất trên của Vingroup.
(Ảnh minh họa)
Dự kiến: tỉnh Bắc Ninh (mới) sẽ hình thành "siêu thủ phủ công nghiệp" của miền Bắc
Là tỉnh có diện tích nhỏ nhất, nhưng quy mô kinh tế của Bắc Ninh hiện đứng thứ 9 cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước đạt 232,8 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,03% so với năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 73 triệu đồng, tăng 14,8%.
Tỉnh Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, trong đó 12 khu đã đi vào hoạt động. Nhiều năm liền, Bắc Ninh là tỉnh có quy mô sản xuất công nghiệp đứng đầu cả nước.
Bắc Ninh thu hút vốn đầu tư từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, và là cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới như: Samsung, Canon, Nokia, Amkor...
Tỉnh này cũng nhiều năm liền đứng đầu cả nước về kết quả thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Lũy kế đến hết tháng 1/2025, Bắc Ninh đã thu hút tổng số vốn FDI lên tới 31 tỷ USD.
Đối với nông nghiệp, do tổng diện tích canh tác không lớn, chỉ hơn 31 nghìn ha nên tỉnh Bắc Ninh hướng trọng tâm vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Trong khi đó, năm 2024 và quý I/2025, Bắc Giang là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước (trên 13%).
Quy mô nền kinh tế GRDP không ngừng mở rộng, đạt 207 nghìn tỷ đồng, duy trì vị trí thứ 12 toàn quốc. Tổng vốn đầu tư thu hút đạt trên 2,23 tỷ USD, đứng thứ 11 cả nước.
Đến nay, Bắc Giang có 16 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích khoảng 3.683,94 ha; cùng 55 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.329 ha.
Lũy kế đến hết tháng 1/2025, Bắc Giang đã thu hút tổng số vốn FDI lên tới 13,5 tỷ USD.
Các khu công nghiệp chủ yếu tập trung ở thị xã Việt Yên, các huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang… được quy hoạch liền kề nhau, nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 1A (Hà Nội - Lạng Sơn), gần các đô thị lớn, thuận lợi cả về đường bộ, đường sông, đường sắt, đường hàng không và cảng biển.
Với diện tích đất nông nghiệp trên 302 nghìn ha. Bắc Giang đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa lớn như: Vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc; vùng trồng rau chế biến, rau an toàn lớn; vùng chuyên canh thủy sản.
Đây vốn là 2 tỉnh có thế mạnh phát triển công nghiệp khi được mệnh danh là "thủ phủ công nghiệp miền Bắc", là cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.
Với việc hợp nhất tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh dự kiến sẽ hình thành "thủ phủ công nghiệp" của phía Bắc với những khu công nghiệp (KCN) mới có quy mô lớn, tạo không gian phát triển mới hấp dẫn nhà đầu tư.
A.Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)