1. Thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi
Thời khắc lịch sử QH khóa 13 ấn nút thông qua Hiến pháp sửa đổi. Ảnh: Minh Thăng
Ngày 28/11, Quốc hội đã bấm nút thông qua Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Bản Hiến pháp sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
Việc bản Hiến pháp mới được thông qua sẽ mở đường cho nhiều dự án luật khác đang "xếp hàng" chờ bấm nút (như Luật đất đai sửa đổi) hoặc soạn thảo (các luật về hội, về tổ chức chính quyền...).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi được chuẩn bị công phu, tâm huyết, khoa học đã thể hiện được tinh thần đổi mới; thể hiện ý Đảng hợp với lòng dân.
Với người dân, đợt lấy ý kiến góp ý Hiến pháp suốt một năm qua đã trở thành một dịp sinh hoạt chính trị công khai, rộng rãi, nơi người dân có cơ hội bày tỏ chính kiến từ những vấn đề lớn lao của đất nước cho đến quyền lợi thiết thực nhất của mình.
2. Lấy phiếu tín nhiệm 47/49 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Sau đó, HĐND các cấp đồng loạt tiến hành lấy phiếu lãnh đạo ở các địa phương.
Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: Lê Anh Dũng
Chiều 10/6/2013, lần đầu tiên, gần 500 đại biểu Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm 47/49 chức danh Nhà nước do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Ngay sau khi QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, HĐND các địa phương cũng tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh lãnh đạo chủ chốt tại địa phương.
Phúc đáp băn khoăn của cử tri về chủ trương, hình thức lấy phiếu tín nhiệm, TBT Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm đã được cử tri, UB Thường vụ QH đánh giá bước đầu có tác dụng tốt.
"Hiệu quả bước đầu chí ít là răn đe, cảnh báo, ngăn chặn. Trong đó lấy giáo dục là chính chứ không phải thay người này bỏ người kia, nếu cần thiết thì vẫn phải thay", TBT nhấn mạnh.
Cũng theo TBT Nguyễn Phú Trọng, sau lần đầu tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, dư luận cũng còn ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, "đây là vấn đề lớn, vấn đề khó, chúng ta chưa làm bao giờ và trên thế giới cũng chưa nước nào làm giống chúng ta... Chúng tôi tiếp thu, lắng nghe, sẽ cho tổng kết, rút kinh nghiệm để làm sao cho tốt hơn, tác dụng hơn, phù hợp hơn".
3. Khi một huyền thoại đã ra đi
Từng dòng người xếp hàng chờ viết Đại tướng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 103. Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh rốt cuộc cũngđã không thể vượt qua được quy luật của tạo hóa.
Truyền thông chính thức cũng như các trang mạng xã hội đồng loạt đưa tin và thể hiện lòng tiếc thương trước sự ra đi của vị danh tướng huyền thoại. Còn trên thế giới, các tờ báo lớn, các hãng thông tấn lớn từ Mỹ, Pháp, Anh... cũng đồng loạt đưa tin và có bài viết về sự nghiệp chói sáng của một vị tướng đã đánh thắng cả đội quân chính quy nhà nghề của cả Pháp và Mỹ.
Nhân cách trong sáng, giản dị, thương quân như con, quý dân như người trong một nhà, suốt đời một lòng vì đất nước của Đại tướng đã lay động hàng triệu con tim. Nhà nước tuyên bố 2 ngày quốc tang (12-13/10/2013), nhưng trước đó, hàng vạn người từ mọi miền đất nước đã tìm về xếp hàng tiễn biệt ông tại số nhà 30 Hoàng Diệu.
Lần đầu tiên sau 4 thập kỷ kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, lịch sử lại chứng kiến cả dân tộc cùng nhau đứng dậy, nắm tay nhau, xích lại gần nhau trong một nỗi đau chung.
4. Chủ tịch nước thăm cấp cao Hoa Kỳ và tuyên bố quan hệ Đối tác toàn diện
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Ảnh: AP
Là nguyên thủ quốc gia thứ hai của Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ, chuyến công du của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (24-26/7/2013) mang theo kỳ vọng mở ra chương mới cho mối quan hệ giữa hai nước từng chia sẻ một quá khứ đặc biệt.
Cho dù hai bên đã không ký kết Đối tác Chiến lược, thì tuyên bố chung của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổng thống Obama xác lập khuôn khổ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn được xem như một bước tiến lớn trong cả chặng đường dài 18 năm, kể từ khi hai cựu thù nối lại quan hệ bình thường.
Thoả thuận này không chỉ mang ý nghĩa như một tuyên bố chính trị mạnh mẽ rằng mối quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển trên cả bề rộng và chiều sâu mà còn đóng vai trò nền tảng mở đường cho những cơ chế hợp tác mới. Nghị trình rộng rãi của "Đối tác toàn diện" hàm chứa nhiều tiềm năng to lớn để làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, từ quan hệ chính trị tới kinh tế - thương mại; khoa học-giáo dục cho đến an ninh - quốc phòng.
Chuyến công du đã truyền tải thành công thông điệp của một đất nước dù đang đối mặt với không ít khó khăn nhưng luôn tích cực, chủ động trong hội nhập quốc tế cũng như ngày một chững chạc, tự tin bày tỏ chính kiến và vai trò của mình trong những vấn đề quốc tế nóng bỏng.
Liệu rằng mối quan hệ đó có thể đạt được chiều sâu tới mức nào còn phụ thuộc vào việc cả hai bên sẽ đặt bao nhiêu tâm huyết vào đó, mà trước hết là sứ mệnh hoàn thành đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương trong năm 2014 tới đây.
5.Dấu ấn Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La 2013
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12. Ảnh: Chinhphu.vn
Đối thoại Shangri-La 2013, hiệu ứng "lòng tin chiến lược" từ bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho cộng đồng quốc tế thấy rõ hình ảnh một Việt Nam dù gặp nhiều thách thức vẫn tỏ rõ vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm đối với công việc chung.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh xây dựng "lòng tin chiến lược" như một chìa khoá để củng cố hoà bình, hợp tác và thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương. Ông cũng giải thích rõ nội hàm của khái niệm mới này: "Lòng tin chiến lược còn được hiểu trên hết là sự thực tâm và chân thành", hay "để xây dựng lòng tin chiến lược, cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia - nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương".
Phản ứng từ các học giả tham dự Diễn đàn cũng như giới truyền thông quốc tế cho thấy bài phát biểu đã tạo ra một hiệu ứng lan toả đáng ngạc nhiên. Nhiều học giả quốc tế cho rằng "lòng tin chiến lược" có thể được xem như một ý tưởng mới, một phương thuốc giải quyết những thách thức địa chính trị gay gắt nhất ở châu Á - Thái Bình Dương hiện nay. Thủ tướng Việt Nam đã chỉ ra đúng đắn bản chất các cuộc xung đột, bất đồng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hay nói ngắn gọn là sự hoài nghi chính trị làm nảy sinh tình trạng bế tắc, dẫn đến chỗ các cuộc xung đột vì thế không thể hoà giải được.
Có thể nói, các bài diễn văn của Thủ tướng sau đó đã thực sự tạo ra nguồn cảm hứng mới, góp phần lan toả "sức mạnh mềm" rất riêng của Việt Nam.
(Còn tiếp)
Theo Vietnamnet.vn