Công viên được nhắc đến ở đây chính là công viên địa chất Lạng Sơn. Công viên địa chất Lạng Sơn đã được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đánh giá, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào tháng 9 năm 2024.
Nằm ẩn mình giữa những dãy núi đá vôi kỳ vĩ nơi địa đầu Tổ quốc, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên, mà còn là kho tàng địa chất – văn hóa đặc sắc, mang ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trên bản đồ di sản thế giới.
Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn thành lập từ năm 2021, có phạm vi thuộc các huyện, thành phố: Bắc Sơn, Chi Lãng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn với tổng diện tích 4.842 km2 và dân số gần 627.000 người, tương ứng khoảng 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh.
Với dấu tích kéo dài hàng trăm triệu năm, công viên địa chất Lạng Sơn được ví như bản hùng ca của thiên nhiên, ghi lại hành trình kiến tạo không ngừng của hành tinh. Những lớp đá cổ tại đây chính là chứng nhân của đáy biển cổ đại – nơi từng là mái nhà chung của các loài sinh vật nguyên thủy như bọ ba thùy hay bút đá, những cư dân đầu tiên sống theo bầy đàn.
Một số hóa thạch được các chuyên gia phát hiện trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn.
Theo thời gian, khi biển rút đi, các lớp đá phiến, sa thạch và đá vôi lộ ra, tạo nên một cảnh quan độc nhất với đặc trưng địa hình núi lửa, mang đậm dấu ấn cổ sinh học.
Một trong những điểm nổi bật là Trũng Na Dương – "kho tư liệu sống" về hệ sinh thái nhiệt đới từ 20–40 triệu năm trước. Khu vực này không chỉ sở hữu hệ hóa thạch thực vật và động vật phong phú, mà còn cung cấp các bằng chứng khoa học quý giá về sự di cư và tiến hóa của động vật có vú giữa các lục địa Á – Âu.
Bên cạnh đó, khối núi đá vôi Bắc Sơn – hình thành từ trầm tích biển cổ – còn lưu giữ nhiều hiện vật khảo cổ học như công cụ đá, đồ gốm, mộ táng… hé lộ nếp sống của người tiền sử, góp phần dựng nên bức tranh tiến hóa sớm của loài người tại Việt Nam.
Địa hình độc đáo cũng giúp hình thành hệ thổ nhưỡng giàu khoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nông nghiệp. Những sản vật nổi tiếng như na Chi Lăng, hồi Văn Quan không chỉ là sản phẩm đặc trưng của địa phương mà còn là sinh kế gắn bó bền chặt với người dân nơi đây.
Công viên gồm 38 điểm tham quan thuộc 4 tuyến du lịch gồm: tuyến một "Khám phá thế giới thượng ngàn"; tuyến hai "Hành trình về miền thiên giới"; tuyến ba "Cuộc sống dân dã nơi trần thế"; tuyến 4 "Đường đến thủy cung".
Dự kiến, Công viên địa chất Lạng Sơn sẽ nhận bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào năm 2025 tại Chile.
Sống Khủng long – Đỉnh Phja Pò, Khu du lịch Mẫu Sơn, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn.
Với sự công nhận này, Công viên địa chất Lạng Sơn trở thành Công viên địa chất toàn cầu thứ tư ở Việt Nam sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng và Công viên địa chất Đắk Nông.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)