Rán cá là thao tác tưởng chừng đơn giản nhất nhưng lại là nỗi ám ảnh của nhiều người vì nỗi sợ dầu bắn hay việc "cá một nơi, da một nơi" khiến món ăn không được đẹp mắt. Mới đây, đoạn video "rán cá không cần lật" đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Trong video, có thể thấy con cá đã được xẻ trên thân để ướp gia vị cho thấm, nhưng đến khi chảo dầu sôi vẫn "nhảy hip hop" ngay trên chảo. Hình ảnh khiến nhiều cư dân mạng chia sẻ vì cảm thấy hài hước: "Đề nghị cho thêm dầu để em ấy tưởng mình đang bơi", "Cứ thế này thì quá tiện, khỏi cần lo phải lật cá", "Lại còn tự giác lật mấy lần cho đều nữa chứ"...
Cô gái đăng cho vui nhưng không ngờ được nhiều cư dân mạng chia sẻ
Tuy vậy, cô gái đăng video cũng vấp phải phản ứng trái chiều của nhiều người: "Mình chẳng thấy gì vui, chỉ thấy tội con cá, thà đập đầu nó cái cho nó chết luôn", "Sao ác quá vậy, không để nó chết hẳn hẵng đem chế biến", "Không thích mấy video làm sống nhăn thế này, trước khi nó chết hành hạ nó thêm làm gì"...
Cô gái đăng video sau khi bị cư dân mạng chỉ trích đã phải phân trần rằng mình vốn đã làm thịt con cá xong xuôi, nhưng không hiểu sao khi cho lên chảo vẫn có phản ứng như vậy. Cô gái đoán rằng trước khi chết hoàn toàn, động vật có thể có phản xạ như vậy chứ không phải mình cố tình để cá còn sống mà đăng video.
Thực tế, có khá nhiều món ăn được chế biến theo kiểu "tươi sống" gây tranh cãi trên thế giới. Chẳng hạn như món "cá âm dương" của Trung Quốc. Với món ăn này, những chú cá khỏe mạnh sẽ bị mổ bụng, moi ruột, sau đó đem đi rán vàng. Trong quá trình này, người đầu bếp phải giữ cho phần đầu cá không tổn hại gì, lúc mang ra vẫn có thể thấy chú cá đang thở.
Điểm mấu chốt ở đây là cách cuốn vải ướt lên đầu cá. Lớp vải ướt sẽ giúp cá thở, đồng thời giữ cho phần đầu và mang - đồng nghĩa não bộ không bị nhiệt độ làm tổn thương. Một số ý kiến cho rằng cá còn sống là nhờ toàn bộ phần thân cá được rán chín rất nhanh, chỉ trong vòng chưa đến 1 phút. Hệ thần kinh của cá trải rộng khắp cơ thể, cách làm này sẽ khiến hệ thần kinh chết rất nhanh, các tín hiệu đau đớn truyền về não chưa đủ để khiến cá có thể chết.
Ở Hàn Quốc cũng có món bạch tuộc sống gọi là San-nakji, được ăn kèm xì dầu hoặc chanh. Khi ăn, đầu bếp sẽ đổ sốt lên bạch tuộc, khiến các xúc tu "nhảy múa" như thể con vật còn sống, nhưng thực ra bạch tuộc đã chết não. Tuy nhiên, bạch tuộc vốn có hệ thần kinh phức tạp, với 2/3 tập trung ở các xúc tu. Khi gặp chất xúc tác mạnh như xì dầu, hệ thần kinh sẽ kích hoạt phản xạ, khiến cho xúc tu cử động mà chẳng cần đến vai trò của não bộ.
Các món ăn tươi sống trên thế giới vẫn được rất nhiều người ưa chuộng vì thích cảm giác "tươi đành đạch", nhưng không ít người cũng lên án và cảm thấy chúng quá tàn nhẫn, dù chỉ là vẻ ngoài đi nữa.
Minh Tâm (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)