Trước đây, sương sâm là loại cây leo dại mọc nhiều trong các khu rừng tự nhiên ở Quảng Nam. Người dân địa phương chỉ biết đến nó như một loại thảo dược làm món thạch giải nhiệt dân dã trong những ngày hè oi bức. Ít ai nghĩ rằng, loại cây này có thể mang lại giá trị kinh tế lớn, đủ sức thay đổi cuộc sống của cả một vùng quê.
Từ một loại cây mọc dại ven rừng, sương sâm đã trở thành nguồn thu nhập ổn định giúp nhiều hộ dân đổi đời
Tuy nhiên, những năm gần đây, khi nhu cầu thị trường đối với sương sâm ngày càng tăng cao, giá cả ổn định, nhiều hộ dân bắt đầu chú ý đến tiềm năng kinh tế của nó. Họ quyết định tìm cách thuần hóa, đưa sương sâm từ rừng về trồng ngay tại vườn nhà, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn.
Tiềm năng kinh tế và giá trị sức khỏe bất ngờ
Sương sâm không chỉ là một loại thực phẩm giải nhiệt thông thường. Theo các nghiên cứu, loại cây này còn mang nhiều giá trị cho sức khỏe, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, chứa các hoạt chất giúp chống lại quá trình oxy hóa và tăng cường hấp thụ vitamin C. Đặc biệt, sương sâm còn được biết đến với khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh về gan, dạ dày, huyết áp cao do tăng cholesterol…
Với những lợi ích sức khỏe vượt trội, sương sâm ngày càng được ưa chuộng trên thị trường, tạo động lực cho người nông dân mở rộng diện tích trồng trọt.
Ông Nguyễn Quang Định, một trong những người tiên phong trong việc trồng sương sâm thương phẩm tại Quảng Nam, chia sẻ: "Trước đây, sương sâm chỉ là một loại dây leo mọc hoang dã. Người dân chúng tôi chỉ hái lá về làm thạch ăn cho mát, chứ chưa ai nghĩ đến việc trồng nó để bán".
Năm 2013, trong một chuyến công tác tại miền Nam, ông Định tình cờ biết đến mô hình trồng sương sâm thương phẩm. Nhận thấy tiềm năng kinh tế của loại cây này, ông đã quyết định mang giống về quê nhà, thử nghiệm trên diện tích đất đồi vốn cằn cỗi.
"Ban đầu, tôi áp dụng những kỹ thuật học hỏi từ các mô hình ở miền Nam. Sau một thời gian trồng thử nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, tôi đã có thể tự tin nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sương sâm", ông Định tự hào chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của ông Định, việc trồng sương sâm không quá phức tạp. Cây dễ trồng, ưa đất pha cát hoặc đất đồi tơi xốp, chỉ cần làm giàn đơn giản để cây leo. Khâu bón phân, tưới nước cũng nhẹ nhàng, chủ yếu dùng phân hữu cơ và tưới nước định kỳ vào mùa khô.
Để đạt hiệu quả cao, ông Định khuyến cáo cần dọn sạch gốc cây nhằm hạn chế sâu bệnh, đồng thời chú trọng việc cột dây leo kịp thời lên giàn để tránh tình trạng lá ở phần gốc thiếu ánh sáng. Ngoài ra, cần đảm bảo mật độ trồng hợp lý, không để cây mọc quá dày, và duy trì nguồn nước tưới ổn định trong suốt quá trình sinh trưởng.
"Nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật, sau khoảng 5-6 tháng kể từ khi trồng, cây sương sâm đã có thể cho thu hoạch lứa đầu tiên. Dây càng trưởng thành, năng suất càng cao. Đây là loại cây dễ tính, chỉ cần làm giàn vững chắc và cung cấp đủ nước là có thể phát triển tốt", ông Định chia sẻ thêm.
Lan tỏa mô hình, "đếm lá tính tiền"
Mô hình trồng sương sâm của ông Định đã lan tỏa khắp vùng, được nhiều hộ dân học hỏi và áp dụng thành công. Chị Vũ Thị Bé, một người dân ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, cũng đã khởi động mô hình trồng sương sâm vào đầu năm 2024 và gặt hái được những thành công bước đầu.
"Chỉ trong ba vụ thu hoạch gần đây, toàn bộ sản lượng lá sương sâm của gia đình tôi đều được thương lái từ TP.HCM đặt mua và thu gom tận vườn. Trồng sương sâm mới hơn một năm nhưng gia đình tôi đã thu hoạch gần 5 tấn lá. Vườn nhà cứ vặt lá đến đâu, thương lái mua sạch đến đó. Lá được họ dùng để làm thạch giải khát hoặc sấy khô chế biến thành bột sương sâm", chị Bé vui mừng chia sẻ.
Hiện tại, trung bình mỗi ngày, chị Bé thu hái từ 20-30kg lá, tuy nhiên sản lượng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu đặt hàng từ các thương lái. Giá bán lá sương sâm hiện dao động quanh mức 65.000 đồng/kg. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ việc bán lá, gia đình chị Bé đã có điều kiện nâng cao đời sống, lo cho các con ăn học và trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Từ một loại cây mọc dại ít ai để ý, cây sương sâm giờ đây đã thực sự trở thành "vàng xanh" với nhiều hộ dân. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định, với đặc tính dễ thích nghi của cây sương sâm còn góp phần tạo sự phát triển bền vững, tận dụng hiệu quả diện tích đất đồi cằn cỗi, khó trồng cây hoa màu, lương thực.
T.Hà (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)