Theo Điều 34 của dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến, học sinh hoàn thành chương trình THPT và đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ được phép dự thi tốt nghiệp. Nếu đạt yêu cầu của kỳ thi, học sinh sẽ được hiệu trưởng nhà trường cấp bằng tốt nghiệp.
Điểm đáng chú ý và được nhiều người quan tâm nhất là quy định về việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Dự thảo nêu rõ: Nếu học sinh không dự thi tốt nghiệp hoặc thi không đạt yêu cầu, hiệu trưởng nhà trường vẫn sẽ cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Thí sinh trượt tốt nghiệp vẫn có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông, theo Điều 34 dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đang được Bộ GD&ĐT (Ảnh minh hoạ)
Giấy chứng nhận này có giá trị quan trọng, được sử dụng trong nhiều trường hợp:
- Đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu sau này.
- Để theo học giáo dục nghề nghiệp, mở ra cơ hội phân luồng nghề nghiệp cho học sinh.
- Sử dụng trong các trường hợp cụ thể khác theo quy định của pháp luật.
Quy định này thể hiện sự linh hoạt, đảm bảo quyền lợi cho người học, không làm mất đi thành quả học tập của các em dù không đạt được bằng tốt nghiệp ngay lập tức.
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cũng đưa ra những thay đổi đáng kể về thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông, cụ thể:
- Bằng tốt nghiệp THCS: Thay vì Trưởng phòng GD&ĐT của quận, huyện cấp bằng như hiện nay, hiệu trưởng nhà trường sẽ là người xác nhận học sinh hoàn thành chương trình thông qua học bạ.
- Bằng tốt nghiệp THPT: Thẩm quyền cấp bằng sẽ chuyển từ Giám đốc Sở GD&ĐT sang hiệu trưởng nhà trường.
Lý do cho những điều chỉnh này được Bộ GD&ĐT giải thích như sau:
(Ảnh minh hoạ)
- Phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương hai cấp: Hướng tới một hệ thống quản lý tinh gọn hơn.
- Phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục và xu thế quốc tế: Nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Anh, Úc, Phần Lan không cấp bằng tốt nghiệp THCS mà sử dụng xác nhận của hiệu trưởng để xét học ở bậc cao hơn hoặc phân luồng.
- Tăng tính tự chủ, chủ động cho nhà trường: Việc hiệu trưởng trực tiếp cấp bằng tốt nghiệp THPT giúp các trường có quyền chủ động hơn trong tổ chức và quản lý hoạt động giáo dục.
- Giảm thủ tục hành chính và chi phí: Đơn giản hóa quy trình cấp phát văn bằng, mang lại lợi ích cho cả người học và cơ quan quản lý.
Đối với bằng tốt nghiệp THCS, Bộ GD&ĐT khẳng định việc xác nhận hoàn thành chương trình THCS bởi hiệu trưởng không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người học. Hiện nay, tốt nghiệp THCS vẫn là tiêu chí bắt buộc để học sinh dự thi vào lớp 10 THPT. Đặc biệt, từ năm ngoái, Bộ đã bỏ xếp loại giỏi, khá, trung bình trên bằng tốt nghiệp cấp học này, tập trung vào việc hoàn thành chương trình.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)