Nhiệm kỳ của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố
Khoản 2, Điều 12 văn bản hợp nhất Thông tư 08/VBHN-BNV ngày 27 tháng 10 năm 2022 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, quy định về nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố như sau:
a) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có nhiệm kỳ là 2,5 năm hoặc 5 năm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thống nhất và phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương. Trường hợp do thành lập thôn mới, tổ dân phố mới hoặc khuyết Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời để điều hành hoạt động của thôn, tổ dân phố cho đến khi bầu được Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trong thời hạn không quá sáu tháng kể từ ngày có quyết định cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời.
b) Nhiệm kỳ của Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố, thực hiện theo nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
Nhiệm kỳ của trưởng thôn là 2,5 năm hoặc 5 năm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thống nhất và phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương (Ảnh minh họa).
Mức phụ cấp của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố năm 2025
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 tại kỳ họp thứ 8. Theo đó, về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
Như vậy, Quốc hội chính thức quyết nghị chưa tăng tiền lương cho khu vực công vào năm 2025.
Điều này đồng nghĩa với việc mức lương cơ sở vẫn được giữ nguyên theo mức hiện tại là 2,34 triệu đồng/tháng, theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP.
Mức phụ cấp hằng tháng với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố từ năm 2025 vẫn được tính theo mức khoán tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP.
Nghị định 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định, người hoạt động không chuyên trách ở thôn sẽ được hưởng phụ cấp hằng tháng.
Tuy nhiên, phụ cấp này chỉ áp dụng với không quá 3 chức danh gồm Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận.
Theo đó, thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực biên giới, hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 6 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, dự kiến mức phụ cấp từ năm nay là 6 x 2,34 triệu đồng/tháng = 14,04 triệu đồng/tháng (Ảnh minh họa).
Trường hợp thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã thì được giữ mức khoán quỹ phụ cấp bằng 6 lần mức lương cơ sở, tương đương 14,04 triệu đồng/tháng.
Đối với các thôn, tổ dân phố không thuộc quy định được khoán quỹ phụ cấp bằng 4,5 lần mức lương cơ sở, tương đương 10,53 triệu đồng/tháng.
Trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách khác ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm.
Mức tiền khoán nêu trên sẽ được tính cho không quá 3 chức danh. Còn mức hưởng cụ thể của từng chức danh sẽ được thực hiện dựa vào: Quỹ phụ cấp được khoán cho mỗi thôn, tổ dân phố; nguồn kinh phí ngân sách chi cho cải cách tiền lương; tình hình đặc thù của từng thôn.
Thông qua đó, UBND trình HĐND cấp tỉnh quy định mức phụ cấp của từng chức danh không chuyên trách cấp thôn trong đó có trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
T.San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)