Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương tinh thần làm việc tích cực, trách nhiệm, chủ động, khoa học, sáng tạo, quyết đoán, hiệu quả, đổi mới của Trung ương; công tác chuẩn bị và phục vụ Hội nghị chu đáo, kỹ lưỡng, trọng tâm, trọng điểm, có nhiều cải tiến của các Tiểu ban, của Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan.
Thống nhất cả nước còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương
Trong đó, Tổng Bí thư nêu rõ, "Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh: Việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là quyết sách chiến lược chưa từng có với mục tiêu cao nhất vì sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững của đất nước, chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân".
Xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển, đủ năng lực tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trong kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính địa phương lần này được xây dựng trên tinh thần khoa học, đột phá, sáng tạo, bám sát thực tiễn với tầm nhìn xa, trông rộng, ít nhất là 100 năm, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa mới phù hợp cho phát triển đất nước.
Một góc TP Hà Nội.
Chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, gần dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững. Ngoài ra, tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo đà và động lực cho phát triển kinh tế, trong đó chú trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân; đẩy nhanh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Ban chấp hành Trung ương cũng thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương) với tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị xác định theo các nguyên tắc nêu tại các Tờ trình và Đề án.
Chủ trương kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sau khi Quốc Hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi), cũng đã được Trung ương thống nhất.
Theo Tổng Bí thư, Trung ương nhất trí cao với chủ trương sau sáp nhập, đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng so với hiện hành.
Trung ương cũng đồng ý chủ trương lập tổ chức đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động của các đảng bộ cấp huyện; việc lập tổ chức đảng ở địa phương thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng, quy định của Trung ương.
Với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách từ Trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên địa bàn.
Cấp xã chủ yếu là thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp Tỉnh ban hành; được tăng cường phân cấp phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản qui phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp mình.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết tại Hội nghị lần này, Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang, giảm mức đóng góp công đoàn phí của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Hội nghị Trung ương nhất trí cao chủ trương tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và cấp huyện.
Định hướng được thống nhất là xác lập hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân có 3 cấp là: Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và khu vực (hệ thống tòa án và viện kiểm sát quân sự giữ nguyên mô hình hiện nay).
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)