Dự thảo nghị định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về cơ chế thu, quản lý học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đã làm rõ các đối tượng sẽ được hưởng chính sách này trong năm học tới.
Đối tượng không phải đóng học phí theo dự thảo mới
Theo dự thảo, đối tượng đầu tiên không phải đóng học phí là "người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học". Các ngành này sẽ do Chính phủ và Thủ tướng quy định cụ thể.
Bên cạnh đó, các đối tượng được miễn học phí bao gồm:
Người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học sẽ không phải đóng học phí (Ảnh minh hoạ)
Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ, hoặc cả cha và mẹ hoặc ông, bà thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Sinh viên theo học chuyên ngành Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Học viên sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa cấp I, II, bác sĩ nội trú) theo học các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc khối ngành sức khỏe.
Các ngành học đã được miễn học phí theo quy định hiện hành
Trong khi chờ dự thảo mới được thông qua, Nghị định 81/2021/NĐ-CP vẫn đang có hiệu lực. Điều 15 của nghị định này quy định các nhóm ngành được miễn học phí bao gồm:
Sinh viên chuyên ngành Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, giám định pháp y, pháp y tâm thần và giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.
Người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.
Định hướng miễn, giảm học phí cho ngành công nghiệp bán dẫn
(Ảnh minh hoạ)
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong năm 2025 sẽ "rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách miễn, giảm học phí và chính sách học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn".
Trước đó, trong văn bản gửi các trường vào tháng 12-2024, bộ cũng đã nêu rõ các trường đại học phải có chính sách ưu tiên, bao gồm "học bổng, miễn giảm học phí, ký túc xá..." cho sinh viên theo học ngành bán dẫn.
Sinh viên sư phạm: Hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí nếu có cam kết
Khác với các đối tượng trên, sinh viên các ngành sư phạm không thuộc diện miễn học phí trực tiếp. Thay vào đó, theo Nghị định 116/2000/NĐ-CP, sinh viên sư phạm sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí và sinh hoạt phí nếu cam kết làm việc trong ngành giáo dục.
Cụ thể, sinh viên sẽ được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của trường đang theo học và được hỗ trợ thêm 3,63 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí. Thời gian hỗ trợ không quá 10 tháng/năm học.
Để được hưởng chính sách này, sinh viên phải nộp đơn đề nghị và cam kết bồi hoàn trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận thông báo trúng tuyển. Mới đây, vào tháng 3-2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2025/NĐ-CP nhằm khắc phục các vướng mắc của Nghị định 116, giúp việc cấp học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm được thực hiện kịp thời hơn.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)