Tuy nhiên, thời gian gần đây, mạng xã hội lan truyền một quan điểm gây xôn xao: "Trong 20 năm tới, chung cư cao tầng sẽ trở thành khu ổ chuột". Điều này khiến không ít người lo lắng về tương lai của loại hình nhà ở từng được ưa chuộng bậc nhất này. Liệu nhận định đó có quá bi quan? Thực tế đây chỉ là cách nói cường điệu. Ở Việt Nam, các chung cư xuống cấp chưa đến mức "ổ chuột", nhưng nhiều khu đã có dấu hiệu xuống cấp nhanh, mất an toàn và mất giá trị sống.
Thực tế, có 4 nhược điểm lớn của chung cư cao tầng đang dần lộ diện, khiến nhiều người khó lòng chấp nhận.
Dù không thể phủ nhận ưu điểm của chung cư cao tầng, nhưng trước những thực tế dưới đây, việc đánh giá lại loại hình nhà ở này là điều cần thiết (Ảnh minh họa)
1. Nguy cơ cháy nổ cao, cứu hộ gặp khó khăn
Chung cư cao tầng luôn tiềm ẩn rủi ro lớn trong công tác phòng cháy chữa cháy. Khi xảy ra hỏa hoạn, việc tiếp cận của lực lượng cứu hộ gặp nhiều hạn chế do chiều cao của tòa nhà, trong khi thang máy bị ngắt điện và thang bộ thường hẹp, khó di chuyển trong tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, các tòa nhà này có mật độ dân cư cao, khiến việc sơ tán người dân càng khó khăn hơn. Nếu không có hệ thống PCCC tự động, hệ thống báo cháy và lối thoát hiểm đạt chuẩn, hậu quả để lại có thể rất nghiêm trọng. Đây là lý do chính phủ yêu cầu kiểm tra định kỳ và xử lý nghiêm các công trình không đảm bảo an toàn cháy nổ.
2. Cơ sở vật chất xuống cấp, thang máy trục trặc thường xuyên
Mua nhà đã khó, duy trì điều kiện sống lại càng khó hơn. Với nhà cao tầng, các thiết bị như thang máy, hệ thống cấp thoát nước, tường ngoài… đều xuống cấp nhanh chóng theo thời gian. Đặc biệt là thang máy khi hoạt động lâu năm dễ gặp trục trặc, khiến người dân phải leo thang bộ nếu chẳng may thang máy ngừng hoạt động. Không chỉ vậy, hệ thống cấp nước sinh hoạt tầng cao (bơm tăng áp) cũng dễ hỏng hóc. Chi phí bảo trì các hạng mục này rất cao, và khi quỹ bảo trì cạn kiệt, cư dân buộc phải tự gánh. Nếu là chung cư cao cấp ở trung tâm các thành phố lớn, có thể có nguồn lực hỗ trợ hoặc thu nhập đủ để tự chi trả. Nhưng với các khu cao tầng ở tỉnh lẻ, thì đây là gánh nặng không nhỏ.
3. Cải tạo, tái thiết gặp khó khăn, ít tiềm năng sinh lời
Khác với nhà thấp tầng, việc cải tạo hay tái thiết lại một khu chung cư cao tầng là vô cùng phức tạp. Số lượng căn hộ lớn, số cư dân đông khiến quá trình đền bù, giải tỏa, bố trí tạm cư gặp nhiều trở ngại.
Hơn nữa, khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, việc phá bỏ một tòa nhà cao tầng để xây mới lại không mang nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư, dẫn đến thiếu động lực triển khai các dự án tái thiết. Đây là lý do nhiều khu chung cư cao tầng cũ đang phải vật lộn trong tình trạng "xuống cấp nhưng không được sửa - phá thì không được".
4. Khó bán lại, thanh khoản kém
Thị trường bất động sản trong thời gian gần đây ghi nhận tình trạng nguồn cung dư thừa nhưng sức mua giảm, đặc biệt là tại phân khúc chung cư cao tầng trung cấp trở xuống. Khi dân số thành thị có dấu hiệu bão hòa và xu hướng dịch chuyển ra vùng ven tăng, nhu cầu với các căn hộ cao tầng nội đô dần giảm.
Điều này khiến không ít người mua căn hộ để đầu tư rơi vào cảnh khó bán, giá giảm, thậm chí bị "chôn vốn". Căn hộ càng cao, càng cũ thì càng khó thanh khoản, trở thành "tài sản chết" khiến nhiều người e dè.
Tất nhiên, không phải toàn bộ chung cư cao tầng đều sẽ đi theo "vết xe đổ" nếu được quản lý tốt, bảo trì thường xuyên và xây dựng đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, nếu các bất cập hiện tại không được xử lý triệt để, trong 10 - 20 năm tới, không ít tòa nhà có thể trở thành gánh nặng cho cư dân lẫn đô thị.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)