Theo quy hoạch, hệ thống cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh gồm các khu bến Cát Lái-Phú Hữu, sông Sài Gòn, Hiệp Phước, Nhà Bè, Long Bình, khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, các bến cảng tiềm năng huyện Cần Giờ, các bến phao, khu neo đậu chờ, tránh, trú bão.
Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển TP.HCM dự kiến đạt 228-253 triệu tấn, trong đó hàng container chiếm 11,41-12,8 triệu TEU (chưa bao gồm hàng trung chuyển quốc tế). Lượng hành khách qua cảng đạt khoảng 170.600-184.400 lượt. Cũng trong giai đoạn này, TP.HCM sẽ có từ 41-44 bến cảng, tương ứng 89-94 cầu cảng với tổng chiều dài 16.588,2-18.588,2m (chưa bao gồm các bến khác).
Đặc biệt, theo quy hoạch sẽ ưu tiên đầu tư bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ để cùng với các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế quy mô lớn có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế.
Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ có 2-4 cầu cảng container với tổng chiều dài từ 1.016 m đến 2.016 m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 tấn (24.000 TEU) hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Với hạ tầng này, bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 22,8 triệu tấn đến 57,6 triệu tấn (tương ứng từ 2,4 triệu TEU đến 4,8 triệu TEU).
Tầm nhìn đến năm 2050, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển TP.HCM có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5-3,8%/năm. Sản lượng hành khách với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,9-1%/năm.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển TP. HCM đến năm 2030 ước khoảng 77.452 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 2.952 tỷ đồng dành cho hạ tầng hàng hải công cộng và 74.500 tỷ đồng cho đầu tư các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa.
Các dự án được ưu tiên triển khai bao gồm: đầu tư luồng tàu trọng tải lớn vào khu bến Cần Giờ; xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng phục vụ an toàn hàng hải như khu neo đậu, tránh, trú bão và hệ thống quản lý chuyên ngành; phát triển bến cảng khách quốc tế, bến du lịch và du thuyền gắn với các vùng động lực du lịch.
Để triển khai quy hoạch, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương khuyến khích xây dựng các bến cảng dùng chung trong khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng đất, mặt nước. Đặc biệt, các bến cảng mới tại khu trung chuyển quốc tế Cần Giờ cần cam kết khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam không vượt quá 20-25% tổng lượng hàng hóa qua cảng.
Bên cạnh đó, cơ chế huy động đa dạng nguồn lực trong và ngoài nước sẽ tiếp tục được hoàn thiện, bao gồm cả hình thức khai thác nguồn lực từ đất, mặt nước và thu từ cho thuê hạ tầng cảng đầu tư bằng vốn ngân sách.
Một góc TP.HCM.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và dựa vào chỉ số GDP bình quân đầu người thì TP.HCM là một trong những địa phương giàu nhất Việt Nam với GDP bình quân đầu người đạt 107 triệu đồng/người/năm.
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ của nhiều tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Nestlé, hay Samsung và hàng trăm ngàn doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Sự đa dạng trong nền kinh tế, từ thương mại, dịch vụ đến sản xuất công nghiệp đã giúp thành phố duy trì vị thế và tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân.
Hệ thống cảng biển, sân bay và đường bộ tại địa phương cũng đã được phát triển để đáp ứng không chỉ nhu cầu của người dân mà còn nhu cầu giao thương trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, nhiều dự án quy hoạch lớn đang được triển khai tại TP.HCM, nổi bật là khu đô thị Thủ Thiêm với mục tiêu xây dựng thành trung tâm tài chính mới. Dự án này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần hiện đại hóa hạ tầng đô thị, với sự xuất hiện của các tòa nhà văn phòng cao cấp và hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)