Theo quyết định này, khu công nghiệp Long Đức 3 có diện tích lập quy hoạch hơn 244ha. Đây là khu công nghiệp hiện đại, chú trọng đến yếu tố phát triển bền vững, đặc biệt là bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tích hợp năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh.
Theo định hướng quy hoạch, Long Đức 3 sẽ phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, ưu tiên thu hút các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và công nghệ thân thiện với môi trường. Mục tiêu đặt ra là hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, đồng thời góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững của tỉnh.
Việc lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 sẽ là cơ sở quan trọng để triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết tiếp theo, thu hút đầu tư, cũng như làm nền tảng pháp lý cho công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trong thời gian tới.
(Ảnh minh họa)
Trước đó, vào tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Long Đức 3, với tổng vốn đầu tư lên tới 1.800 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 270 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày 14/7/2023, với tiến độ triển khai không quá 36 tháng kể từ khi được Nhà nước bàn giao đất.
Theo đại diện chủ đầu tư, Khu công nghiệp Long Đức 3 không chỉ góp phần gia tăng nguồn cung quỹ đất công nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, mà còn hứa hẹn đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh Đồng Nai đang là điểm đến chiến lược của dòng vốn dịch chuyển toàn cầu.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có công suất phục vụ 100 triệu lượt hành khách với 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Trong giai đoạn 1, dự án có công suất phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Theo như tiến độ đã được điều chỉnh, giai đoạn 1 của dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm 2026.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu rút ngắn tiến độ, cơ bản hoàn thành dự án vào cuối năm 2025 và đưa vào khai thác trong nửa đầu năm 2026, sớm hơn 6 tháng so với tiến độ đã được điều chỉnh.
Theo thống kê, top 5 địa phương có quy mô kinh tế (GRDP) lớn nhất cả nước năm 2024 gồm TP. HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng. Trong đó, GRDP của tỉnh Đồng Nai (theo giá so sánh năm 2010) đạt hơn 260.200 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 8,02% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này không chỉ vượt mục tiêu đề ra (từ 6,5% đến 7%) mà còn cao hơn mức tăng trưởng của năm 2023 (5,41%). Bên cạnh đó, GRDP bình quân đầu người tại Đồng Nai ước đạt 148,94 triệu đồng, vượt qua mục tiêu 148 triệu đồng/người.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)