Đặc điểm và nguồn gốc tên gọi
Nấm hầu thủ có màu trắng hoặc trắng ngà khi còn non, hình dáng như khối cầu cỡ nắm tay trẻ sơ sinh với nhiều tua bao quanh. Khi già, nấm chuyển sang màu vàng hoặc vàng sậm, các tua phát triển dài ra, khiến hình dạng của chúng dễ khiến người ta liên tưởng đến đầu của loài khỉ đuôi dài. Chính vì vậy, chúng có tên gọi là nấm hầu thủ (trong tiếng Trung, "hầu thủ" có nghĩa là "đầu khỉ").
Nấm hầu thủ
Loại nấm này phân bố ở nhiều quốc gia và thuộc nhóm nấm ôn đới. Hiện nay, nấm hầu thủ đã được nuôi trồng nhân tạo thành công ở Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chúng thích hợp sinh trưởng ở những vùng khí hậu mát mẻ, với nhiệt độ lý tưởng từ 16-20 độ C.
Giá trị kinh tế và dược liệu quý hiếm
Nấm hầu thủ được xem là một dược liệu quý hiếm. Tại Trung Quốc, nấm hầu thủ tự nhiên loại khô có giá dao động từ 1.200 - 1.600 NDT (khoảng 4,2 - 5,6 triệu đồng) mỗi kilogram. Ở Việt Nam, giá của loại nấm này khoảng 1,85 - 3 triệu đồng/kg, tùy thuộc vào chất lượng và nơi bán, trong đó nấm hầu thủ sấy thăng hoa là loại có giá cao nhất.
Theo nghiên cứu của giáo sư Mizuno (Nhật Bản), nấm hầu thủ rất giàu khoáng chất và vitamin, chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Chúng cũng giàu các axit béo không bão hòa, góp phần hỗ trợ phòng chống bệnh tim mạch và ung thư. Đặc biệt, nấm hầu thủ chứa Ge, một kim loại cực hiếm có hoạt tính chống ung thư.
Ngoài ra, nấm hầu thủ còn chứa vitamin B1, B2, hàm lượng sắt, canxi và kali khá cao. Với hàm lượng chất béo và giá trị năng lượng thấp, chúng thích hợp cho cả những người đang trong chế độ ăn kiêng. Nấm sau khi sấy khô có thể dùng để điều trị tình trạng suy nhược cơ thể, khó tiêu, mất ngủ, viêm dạ dày mãn tính và có lợi cho ngũ tạng.
Tại Trung Quốc, mùa hái nấm hầu thủ thường rơi vào mùa thu, khoảng từ tháng 9 đến tháng 10 hàng năm. Từ thời nhà Thương, người Trung Quốc xưa đã sử dụng nấm hầu thủ làm thực phẩm, chế biến thành các món hầm bổ dưỡng. Tương truyền, Hoàng đế Càn Long nhà Thanh và Thái hậu Từ Hy rất ưa chuộng loại nấm này, thậm chí còn nhận xét chúng ngon hơn cả tổ yến hay chân gấu.
Nấm hầu thủ có vị hơi đắng nhưng mang mùi hương thơm nồng đặc trưng của nấm. Chúng có thể được chế biến thành nhiều món ăn, phổ biến là hầm với thịt gà hoặc sườn heo.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)