“Tới thành phố Hồ Chí Minh, mà trước kia gọi là Sài Gòn, bạn sẽ choáng ngợp bởi dãy dài xe gắn máy trên các con đường. Trung bình, hai người lại có một chiếc xe để di chuyển. Đây là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân tại thành phố đông đúc này”, Hoàn Cầu bình luận.
Qua ống kính của phóng viên Trung Quốc, những dòng xe hối hả trên đường vào mỗi sáng sớm như dòng thủy ngân chảy tràn qua các con phố. Tới buổi chiều muộn, người dân lại vội vã trên phương tiện giao thông quen thuộc này để về nhà, tựa như bầy kiến quay về tổ sau một ngày làm việc chăm chỉ.
Nhưng ấn tượng đặc biệt với họ không chỉ có xe gắn máy mà còn là chiếc mũ bảo hiểm luôn xuất hiện cùng người điều khiển phương tiện giao thông. “Để giảm thiểu tai nạn, nâng cao ý thức an toàn cho người dân, chính quyền đã đề ra quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm với người điều khiển phương tiện giao thông. Vì thời tiết tại thành phố Hồ Chí Minh khá nóng bức với nhiệt độ trung bình là 27 độ C, ban đầu, người dân không mấy hào hứng với điều này. Nhưng hiện nay, đội mũ bảo hiểm đã trở thành thói quen mỗi khi lái xe của mọi người”, Hoàn Cầu bình luận.
Bàn về thói quen này, trang Sina.com.cn cũng khẳng định: “Mũ bảo hiểm và khẩu trang luôn là hai vật bất ly thân với người Sài Gòn khi tham gia giao thông. Đặc biệt là các cô gái. Họ rất ý thức gìn giữ làn da và sức khỏe của mình. Khẩu trang và mũ bảo hiểm không chỉ giúp mọi người tránh bụi, tránh nắng mà còn bớt hít phải khí thải từ các phương tiện giao thông trên đường". Khi hình ảnh về thói quen này của người Việt Nam được đăng tải trênSina, các cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra khá hứng thú và tham gia bình luận sôi nổi. Nick "Wan xi 395" bình luận: "Dù gương mặt được che chắn kỹ càng, nhưng nét hiện đại và vẻ duyên dáng của các cô gái Sài Gòn vẫn không bị lu mờ”. Nick "Chen xin hong" ca tụng: "Thiếu nữ trong tà áo dài truyền thống và chiếc mũ bảo hiểm trên đầu tạo nên nét riêng độc đáo cho những con phố Sài Gòn thời hiện đại".
Những hình ảnh thú vị về thói quen đội mũ bảo hiểm của phụ nữ Sài Gòn trên báo Trung Quốc:
Đất Việt