Mỗi trường một mức phí
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội vừa công bố kế hoạch tuyển sinh dự kiến năm 2025. Theo đó, trường tổ chức đăng kí hồ sơ trực tuyến, thu hồ sơ trực tiếp cho 3 phương thức: Xét học bạ, xét chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (SAT/ACT), ưu tiên xét tuyển (trong phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển). Thí sinh đăng ký hồ sơ đến ngày 10/6 với lệ phí 50.000 đồng/hồ sơ/phương thức đăng kí.
ĐH Bách khoa Hà Nội cũng mở cổng để thí sinh đăng kí hồ sơ phương thức xét tuyển tài năng, quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ. Ở phương thức này, ĐH Bách khoa Hà Nội xét 3 nhóm đối tượng thí sinh.
- Nhóm thứ nhất, xét tuyển thẳng thí sinh đạt thành tích cao trong các kì thi, cuộc thi cấp quốc gia hoặc quốc tế theo quy định của Bộ GD&ĐT. Thí sinh được đăng kí tối đa 3 nguyện vọng. Lệ phí xét tuyển 200.000 đồng.
- Nhóm 2 những thí sinh có chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế như SAT, ACT, A-Level, AP, IB. Nhóm này được đăng kí vào tất cả các ngành/chương trình đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội và không giới hạn nguyện vọng. Lệ phí đăng kí là 300.000 đồng.
- Nhóm 3, xét tuyển theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn. Thí sinh có quyền lợi như nhóm 2 và lệ phí đăng kí 500.000 đồng.
Cùng với lệ phí khi thí sinh đăng kí nguyện vọng lên hệ thống chung của Bộ, một phương thức tuyển sinh, thí sinh phải đóng phí 2 lần (Ảnh minh hoạ)
Trường Đại học thương mại đã mở cổng nhận hồ sơ đăng kí đối với các phương thức xét tuyển riêng với lệ phí 50.000 đồng (đăng ký 1 phương thức), 100.000 đồng (đăng ký nhiều phương thức) và 100.000 đồng cho trường hợp xét tuyển hoặc ưu tiên tuyển. Học viện Nông nghiệp Việt Nam thu lệ phí đăng kí hồ sơ xét tuyển trên hệ thống của trường là 50.000 đồng/hồ sơ.
Khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT vào tháng 7, thí sinh phải nộp lệ phí 20.000 đồng/nguyện vọng. Như vậy, cùng với một phương thức xét tuyển, thí sinh có thể phải đóng lệ phí hai lần; thậm chí trong cùng một trường, mỗi phương thức lại có các mức phí xét tuyển khác nhau.
Ngoài 2 khoản xét tuyển phải nộp, thí sinh tham gia kì thi riêng còn phải đóng lệ phí dự thi không nhỏ.
- Kỳ thi đánh giá chuyên sâu của ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2025 có tính phí: 700.000 đồng cho môn tiếng Anh (tăng 200.000 đồng so với năm trước), 400.000 đồng cho Ngữ văn (tăng 100.000 đồng), 250.000 đồng cho các môn Toán, Lý.
- Kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội có giá 500.000 đồng/thí sinh/đợt.
- Kỳ đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội thu 600.000 đồng/thí sinh/lượt.
- ĐH Sư Phạm Hà Nội áp dụng phí 250.000 đồng/môn thi.
Hai loại phí khác nhau?
(Ảnh minh hoạ)
Lí giải về việc thu lệ phí này, PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định nhà trường chỉ thu lệ phí đối với phương thức xét tuyển tài năng. Đây là lệ phí xét và chấm điểm hồ sơ, giống như lệ phí thi đánh giá tư duy hay lệ phí tham gia các kì thi như SAT, IELTS. Hai phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp và thi đánh giá tư duy, thí sinh nhập thông tin lên hệ thống của Bộ GD&ĐT và nộp lệ phí theo quy định của Bộ
Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định lệ phí trên hệ thống của Bộ GD&ĐT để được xét vào nguyện vọng tốt nhất, có cơ hội trúng tuyển cao nhất. Trong trường hợp có trường thu lệ phí, thì lệ phí của họ chỉ tính đến việc mà trường thực hiện xử lí thêm trong quá thí sinh nộp hồ sơ lên hệ thống nhà trường, không bao gồm phần xử lí, sắp xếp trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ.
Hai lệ phí này tách biệt, không phải thu hai lần, mà là hai công việc hoàn toàn khác nhau. Đại diện Bộ GD&ĐT nhấn mạnh chi phí ở đâu, trả ở đó.
Nguồn thu không nhỏ
Năm nay, Bộ GD&ĐT không cho trường ĐH xét tuyển sớm. Dữ liệu thí sinh sau khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung sẽ được chuyển lại cho các trường để thực hiện xét tuyển. Tuy nhiên, việc thu phí hai lần cho cùng một phương thức – một lần khi đăng ký trên cổng trường, một lần khi đăng ký nguyện vọng trên cổng Bộ – không khỏi băn khoăn từ phía thí sinh và dư luận.
Theo thống kê các năm trước, trong nguồn lệ phí 20.000 đồng cho mỗi nguyện vọng thí sinh phụ trợ khi đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT, các trường có thí sinh đăng kí nguyện vọng sẽ được nhận 5.500 đồng/nguyện vọng.
(Ảnh minh hoạ)
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có giải pháp cụ thể về các phương thức tuyển sinh, nhưng thực tế ghi nhận đã thấy có những điểm chưa thống nhất. Điển hình là phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh đã có các đầu điểm theo từng tổ hợp xét tuyển, dữ liệu thí sinh nhập lên cổng của Bộ và cổng của trường không thay đổi, còn tiền vẫn phải nộp 2 lần.
Mỗi năm, hệ thống tuyển sinh quốc gia ghi nhận khoảng 3 triệu cầu nguyện được đăng ký (kết hợp 1 lần thu phí/nguyện vọng), với tổng số tiền thu đạt khoảng 60 tỷ đồng. Trong đó, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 16 tỷ đồng được phân bổ lại cho các trường đại học để thực hiện công tác xử lý, xét tổng và sắp xếp trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung.
T.Hà (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)