Một trong những chiêu trò phổ biến được Techcombank chỉ ra là việc kẻ gian dán băng dính che camera giám sát tại ATM/CDM. Bằng cách này, hệ thống không thể ghi lại hình ảnh giao dịch, tạo điều kiện cho việc lắp đặt trái phép thiết bị skimming để đánh cắp thông tin thẻ. Sau đó, chúng sử dụng dữ liệu này để làm thẻ giả và rút tiền từ tài khoản của nạn nhân.
Techcombank cảnh báo thủ đoạn dán băng dính che camera tại cây ATM nhằm rút tiền của nạn nhân (Ảnh minh hoạ)
Bên cạnh đó, Techcombank cũng lưu ý về hình thức lừa đảo giả mạo giấy tờ, văn bản mang tên ngân hàng. Các đối tượng thường giả danh nhân viên ngân hàng hoặc cán bộ quản lý, sử dụng con dấu và chữ ký giả trên các văn bản, đưa ra những lý do hấp dẫn như hỗ trợ giao dịch trong dịp lễ, hoàn phí thường niên hoặc thay đổi hạn mức thẻ tín dụng. Mục đích cuối cùng là dụ dỗ khách hàng truy cập vào các đường link giả mạo hoặc cung cấp thông tin cá nhân, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Để tự bảo vệ mình trước các nguy cơ tiềm ẩn, Techcombank khuyến cáo khách hàng:
- Chỉ sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của Techcombank thông qua các kênh chính thức.
- Thường xuyên theo dõi biến động số dư tài khoản và liên hệ ngay với ngân hàng khi phát hiện giao dịch bất thường hoặc nghi ngờ bị lừa đảo.
- Kiểm tra kỹ khu vực đầu đọc thẻ, bàn phím và xung quanh máy ATM/CDM trước khi giao dịch. Che bàn phím khi nhập mã PIN để đảm bảo tính bảo mật.
(Ảnh minh hoạ)
Đặc biệt, khách hàng tuyệt đối không được cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng điện tử, mã OTP, số thẻ, mã CVV, ngày hết hạn thẻ cho bất kỳ ai, kể cả người xưng là nhân viên ngân hàng. Không thực hiện giao dịch khi phát hiện các thiết bị lạ được dán, ốp hoặc kết nối bất thường với ATM/CDM hoặc khi máy có dấu hiệu không nguyên vẹn. Cuối cùng, hãy cảnh giác với các đường link lạ, đặc biệt là từ tin nhắn, email hoặc cuộc gọi không rõ nguồn gốc.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)