Việc sở hữu nhiều tài khoản ngân hàng là điều khá phổ biến đối với người trưởng thành, thậm chí nhiều người còn mở tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng thường xuyên hoặc quản lý tốt các tài khoản đã mở. Theo quy định mới và thực tế vận hành từ các ngân hàng thương mại, tài khoản không phát sinh giao dịch trong thời gian quy định có thể sẽ bị tạm khóa hoặc đóng vĩnh viễn.
Theo quy định tài khoản không phát sinh giao dịch trong thời gian giới hạn sẽ bị tạm khóa (Ảnh minh hoạ)
Điển hình, từ ngày 11/7, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã chính thức triển khai việc đóng những tài khoản có số dư bằng 0 và không phát sinh giao dịch liên tục trong ít nhất 6 tháng. Tương tự, Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cũng đã thông báo về việc sẽ đóng tài khoản thanh toán của các khách hàng cá nhân không sử dụng trong vòng 12 tháng và tài khoản không còn số dư. Woori Bank Việt Nam từ ngày 1/7 cũng tiến hành phân loại các tài khoản không có bất kỳ giao dịch nào trong 12 tháng liên tiếp. Đối với các tài khoản này, nếu số dư dưới mức tối thiểu nhưng lớn hơn 0 đồng, ngân hàng sẽ chuyển sang trạng thái “không hoạt động”; còn nếu số dư bằng 0, tài khoản sẽ bị chuyển sang trạng thái “tạm ngưng”. Trước khi thực hiện, Woori Bank sẽ gửi thông báo cho khách hàng.
Không nằm ngoài xu hướng, Techcombank áp dụng chính sách rõ ràng: tài khoản thanh toán không có giao dịch chủ động trong 12 tháng liên tục và có số dư dưới 50.000 đồng/5 USD/5 EUR sau khi trừ các khoản phí, sẽ bị ngân hàng đóng theo quy định. Agribank cũng thực hiện rà soát các tài khoản thanh toán của cả khách hàng cá nhân và tổ chức. Các tài khoản có số dư thấp hơn mức tối thiểu, đồng thời không phát sinh giao dịch trong vòng 12 tháng và đã bị khóa tạm thời trên 36 tháng, sẽ bị ngân hàng chính thức đóng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 200 triệu tài khoản ngân hàng cá nhân đã được mở. Tuy nhiên, chỉ khoảng 113 triệu tài khoản đã được xác thực sinh trắc học tính đến giữa năm 2025. Điều này đồng nghĩa với việc có hơn 86 triệu tài khoản chưa xác thực, không phát sinh giao dịch trong thời gian dài và bị đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro an ninh tài chính. Dự kiến, các ngân hàng thương mại sẽ tiến hành xóa sổ những tài khoản này kể từ ngày 1/9/2025.
Người dùng cần làm gì để tránh bị đóng tài khoản?
(Ảnh minh hoạ)
Để đảm bảo tài khoản ngân hàng của mình không bị tạm ngưng hoặc xóa bỏ, người dùng nên lưu ý một số điểm sau:
Thường xuyên phát sinh giao dịch: Chỉ cần thực hiện một vài giao dịch đơn giản như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại… trong vòng 6–12 tháng là đủ để giữ tài khoản hoạt động.
Duy trì số dư tối thiểu: Một số ngân hàng yêu cầu duy trì số dư tối thiểu để giữ tài khoản hoạt động. Người dùng cần theo dõi và đảm bảo không để số dư về 0.
Xác thực sinh trắc học: Thực hiện xác minh bằng vân tay hoặc khuôn mặt theo quy định của ngân hàng để đảm bảo thông tin tài khoản chính chủ và không bị vô hiệu hóa.
Kiểm tra thông báo từ ngân hàng: Các ngân hàng đều có thông báo trước khi đóng tài khoản, vì vậy người dùng cần chú ý email, tin nhắn SMS hoặc ứng dụng ngân hàng số.
Việc các ngân hàng đóng tài khoản “ngủ yên” là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh số lượng tài khoản ngân hàng cá nhân tăng đột biến trong những năm qua, kéo theo rủi ro về gian lận, tài chính và quản lý dữ liệu. Nếu bạn đang có tài khoản ngân hàng không sử dụng, nên kiểm tra lại tình trạng tài khoản, phát sinh giao dịch hoặc đóng sớm nếu không còn nhu cầu. Tránh để bị đóng đột ngột gây ảnh hưởng đến các giao dịch tài chính sau này.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)