Anh Cương cho biết, trước đó một tuần đã đeo cùng lúc 2 chiếc nhẫn inox vào tay. Chiếc nhẫn vì đeo quá chặt thít lấy ngón tay, khiến máu không lưu thông được, dẫn tới tình trạng viêm tấy và bắt đầu có dấu hiệu hoại tử.
Khi đến Phòng khám BV Việt Đức, bác sĩ ở đây chuyển phòng mổ, với chỉ định phải cắt cụt ngón tay. Tuy nhiên, BS Nguyễn Hoàng Hải đã đề xuất việc dùng khoan cắt và cắt đứt được 2 chiếc nhẫn. Nhờ đó, ngón tay của anh Cương đã được bảo tồn. Sau khi được giải thoát khỏi chiếc nhẫn, anh Cương được dùng thuốc vài ngày và ngón tay đã dần trở lại bình thường.
Cũng vì đeo nhẫn, ông Trần Văn Cảnh (60 tuổi, ở Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng suýt mất của quý của mình. Do mặc cảm với vợ, một phút thiếu bình tĩnh, ông Cảnh dùng một chiếc vòng thép như chiếc nhẫn đeo vào “chân giữa”. Ngay hôm sau, của quý của ông sưng to như một quả chuối, bầm tím, chiếc vòng không thể tháo ra được. Ông phải vào viện.
Khi đến Phòng khám BV Việt Đức, BS Hải đã dùng khoan với lưỡi cắt kim cương cắt rời chiếc vòng đó ra. Chỉ khoảng 1h sau, ông Cảnh đã không còn nỗi lo lắng mất đi chức năng làm chồng của mình.
BS Hải khuyến cáo: Khi đeo nhẫn cần đeo cái vừa với ngón tay, không khít quá với ngón tay, không có cạnh sắc… Trong trường hợp kích thước nhẫn quá nhỏ so với ngón tay, nó sẽ như một cái vòng garô ôm chặt lấy ngón tay. Máu theo động mạch có áp lực lớn hơn có thể đi qua chỗ bó của chiếc nhẫn, nhưng máu tĩnh mạch ở phần ngoài của ngón tay có áp lực thấp hơn không thể qua được chỗ bó của chiếc nhẫn để quay về, làm phần ngoài của ngón tay càng ngày càng sưng nề, viêm tấy. Nếu không được giải phóng khỏi chiếc vòng kim cô này, ngón tay rất có thể bị hoại tử, phải cắt bỏ.
Vì thế, khi đeo nhẫn mà trọng lượng cơ thể có xu hướng tăng lên, ngón tay cũng to hơn, người đeo nên tạm thời bỏ ra, hoặc nong nhẫn ra rộng hơn. Nếu ngón tay đeo bị sưng, cần đến bệnh viện ngay, bác sĩ có thể cắt bỏ chiếc nhẫn để giải phóng ngón tay. Phương pháp cắt bỏ chỉ mất 5 phút mà không sây sát gì đến ngón tay.
Lao Động