Trong văn bản do Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành cho biết, hiện nay có tình trạng một số bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm". Như vậy, việc làm trên là vi phạm quy định của pháp luật.
Bộ Y tế cho biết thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động quảng cáo thực phẩm, hạn chế tình trạng quảng cáo quá mức, quảng cáo chưa được thẩm định nội dung, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm thực phẩm đến với người tiêu dùng, Bộ Y tế đề nghị các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; các Viện trực thuộc Bộ Y tế; các Trường Đại học, cao đẳng y, dược trực thuộc Bộ Y tế; Các Hội, Hiệp hội liên quan đến thực phẩm; Tổng hội Y học Việt Nam thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả người lao động của Đơn vị đã nghỉ công tác) về tình trạng trên;
Đồng thời rà soát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nếu có vi phạm.
(Ảnh minh họa).
Theo quy định tại khoản 2 điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm".
Theo Cục An toàn thực phẩm, hình ảnh bác sĩ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng với những lời giới thiệu quá mức đang lan tràn trên mạng, nhằm tăng sự tin cậy của người dân, ảnh hưởng xấu đến ngành y tế.
Người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh. Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.
Bộ Y tế nhấn mạnh, các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người dân.
Thời gian gần đây, nhiều bác sĩ tham gia quảng cáo, giới thiệu thực phẩm chức năng, đặc biệt là sữa, khiến dư luận bức xúc. Việc sử dụng danh tiếng và chuyên môn của mình để quảng bá cho các sản phẩm không rõ chất lượng, thổi phồng công dụng khiến người tiêu dùng tin tưởng và mua sản phẩm. Sau khi sự thật bị phanh phui, nhiều người cảm thấy hoang mang và không biết tin vào đâu.
Đặc biệt, sau vụ triệt phá đường dây buôn bán sữa giả, nhiều bác sĩ bị phát hiện tham gia giới thiệu, quảng bá cho các sản phẩm đó.
Việc cấm các bác sĩ, chuyên gia y tế tham gia quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm thực phẩm chức năng được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng quảng cáo "nổ" tràn lan như hiện nay, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người dân.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)