Đài truyền hình RTL dự kiến sẽ chiếu một chương trình gây tranh cãi vào thứ Hai tuần tới, trong đó có nhiều cuộc phỏng vấn với các thành viên trong nội các của ông Gaddafi.
Phóng viên Antonia Rados cho biết: “Có nhiều phụ nữ Libya bị mê hoặc bởi ông Gaddafi và muốn gặp ông ấy. Khi gặp ông ấy, họ đã bị ông này hãm hiếp”.
Theo Rados, những nữ vệ sĩ xinh đẹp của ông Gaddafi – những người tự nguyện hy sinh mạng sống để bảo vệ ông này – cũng từng là nạn nhân của “ông chủ” của haọ.
Một nhà tâm lý nổi tiếng của Libya – Tiến sĩ Seham Sergewa cho biết, ông này biết ít nhất 5 nữ vệ sĩ từng bị ông Gaddafi cưỡng hiếp.
Cưỡng hiếp cũng là một vũ khí để đàn áp dân chúng. Ông Gaddafi được cho là cũng đã chỉ đạo cho các binh lính của mình hãm hiếp phụ nữ, thậm chí còn cung cấp Viagra để khuyến khích họ thực hiện những cuộc tấn công tình dục như thế.
Ông Gaddafi.
Hồi tháng 6 năm ngoái, công tố viên Luis Moreno-Ocampo của Tòa án Hình sự Quốc tế tiết lộ, có bằng chứng chứng tỏ ông Gaddafi đã chỉ đạo cho quân lính của mình cưỡng hiếp những phụ nữ phản đối chính quyền của ông này.
Nữ phóng viên Rados cho biết thêm trong báo cáo của mình rằng, nhiều phụ nữ đã bị ông Gaddafi lạm dụng ngay trong thời điểm họ đến gặp ông lần đầu tiên.
Ông Gaddafi còn được cho là sẽ tha thứ cho các phần tử nổi loạn nếu họ “tặng” ông này những cô gái trẻ đẹp.
Những người làm chương trình về Gaddafi của đài truyền hình RTL cho biết, họ đã gặp rất nhiều phụ nữ là nạn nhân của Đại tá Gaddafi cùng với gia đình của họ. Những người phụ nữ này đã thề yên lặng, giấu kỹ chuyện đã xảy ra với họ.
Một nữ giáo viên dạy kinh Koran cho chương trình biết: “Không ai trong số những cô gái đó dám nói chuyện xảy ra với họ. Họ sợ bị giết”.
Cũng theo phóng viên Rados, các doanh nhân đến làm việc, giao dịch ở Libya biết rõ “sở thích” của ông Gaddafi nên họ thường xuyên cung cấp “gái” cho nhà cựu lãnh đạo này.
Nguồn tin từ các phóng viên của đài truyền hình RTL cũng cho hay, các cô y tá xinh đẹp người Ukraine của ông Gaddafi cũng đã nhiều lần phải phá thai vì bị “ông chủ” hãm hiếp.
Tất cả những thông tin trên hoàn toàn chưa được kiểm chứng. Vì thế, người ta không rõ liệu điều này có thật hay không hay chỉ là một cuộc chiến tuyên truyền mới của phương Tây nhằm vào ông Gaddafi – một người đã chết nhưng vẫn còn ảnh hưởng. Được biết, tàn quân của ông Gaddafi đang nổi dậy ở nhiều khu vực thuộc Châu Phi, khiến các cường quốc phương Tây lo ngại.
Tàn quân Gaddafi trỗi dậy
Mặc dù cựu Tổng thống Gaddafi đã thiệt mạng trong cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả-rập ở Libya nhưng ảnh hưởng của ông này được cho là vẫn chưa chấm dứt.
Sau sự sụp đổ của ông Gaddafi, hàng ngàn binh lính của ông này đã chạy khỏi đất nước mang theo rất nhiều vũ khí, trong đó có súng máy, đạn dược và tên lửa vác vai.
Tiến sĩ Mehari Taddele Maru thuộc Viện Nghiên cứu An ninh ở Pretoria, Nam Phi, cho biết, ít nhất 2.000 quân lính của ông Gaddafi là lính đánh thuê và họ đã trở về quê hương bản xứ ở khu vực Châu Phi hạ Sahara, trong đó có Mali, Niger, Mauritania và Nigeria. Nhiều trong số này tiếp tục cầm súng thực hiện những cuộc tấn công gây bất ổn trong khu vực.
Ở nước Tây Phi Mali, khi các chiến binh Taureg trở về từ Libya với vũ khí được trang bị dầy đặc, họ đã kích động những phần tử ly khai thuộc bộ tộc Taureg phát động một cuộc tấn công nhằm vào chính phủ trong tháng 1 vừa rồi. Trong khi vũ khí của chính quyền Gaddafi không thể xứng được với lực lượng NATO thì nó lại hiện đại và thiện chiến hơn rất nhiều so với vũ khí thô sơ, lạc hậu của quân đội Mali. Kết quả là cuộc tấn công trên đã biến thành một cuộc đảo chính. Các chiến binh Taureg đã xông vào dinh thự tổng thống Mali và lật đổ ông này hồi tháng trước.
Trong tình hình rối loạn, bất ổn sau cuộc đảo chính, các phần tử ly khai Taureg ở Mali tiếp tục đạt được những thành công nhiều hơn trước. Hồi cuối tuần vừa rồi, họ đã chiếm được thành trì cuối cùng của chính phủ ở phía bắc, thành phố huyền thoại Timbuktu. Nhiều người bắt đầu lo ngại, chiến thắng của lực lượng Taureg ở Mali có thể kích động một cuộc nổi dậy khác ở nước láng giềng Niger.
"Người Taureg ở Niger nhận được viện trợ từ ông Gadhafi. Chính phủ Niger có thể đàm phán với họ để đạt được hoà bình nhưng trong bao lâu? Đây là điều rất khó trả lời", ông Maru nhận định.
Tàn quân cùng vũ khí của chính quyền Gaddafi còn xâm nhập vào các nước láng giềng khác ở khu vực Sahel gần với sa mạc Sahara. Đây là khu vực mà một chi nhánh của tổ chức khủng bố khét tiếng Al-Qaeda tuyên bố đã có được trong tay hàng ngàn vũ khí của Gaddafi.
"Chúng tôi là một trong số những lực lượng được hưởng lợi chính từ cuộc cách mạng của thế giới Ả-rập", Mokhtar Belmokhar - một thủ lĩnh của tổ chức Maghreb Hồi giáo (AQIM) thuộc Al-Qaeda, cho biết.
Tiến sĩ Maru cũng tin rằng, vũ khí của Gaddafi sẽ được phổ biến rộng khắp khu vực Châu Phi. "Những vũ khí đó có thể được lưu hành và rơi vào tay bất kỳ ai có thể trả tiền để mua chúng".
Ảnh hưởng của lực lượng tàn quân cùng với những vũ khí của ông Gaddafi có thể sẽ lan khắp lục địa đen trong nhiều năm. Thực tế này đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
VnMedia