Tại Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương dự kiến hợp nhất tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, lấy tên tỉnh là Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang.
Đây vốn là 2 tỉnh có thế mạnh phát triển công nghiệp khi được mệnh danh là "thủ phủ công nghiệp miền Bắc", là cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.
Ngay sau đó, ngày 18/4 Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính hai tỉnh Bắc Giang - Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị để thảo luận phương án sắp xếp cơ quan, tổ chức, đơn vị khi hợp nhất hai tỉnh, và dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Một góc Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang.
Theo dự thảo được trình bày tại hội nghị, về tính cần thiết, hai tỉnh có cùng nguồn gốc lịch sử hình thành; văn hóa, phong tục tập quán, quy mô nền kinh tế và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội có sự tương đồng.
Sau khi sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh (mới) sẽ có diện tích tự nhiên 4.718,6 km², đạt 94,3% so với tiêu chuẩn. Quy mô dân số trên 3,6 triệu người, đạt gần 259% so với tiêu chuẩn, và có 99 đơn vị hành chính cấp xã. Tính chung 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hiện nay, tỉnh mới thu hút FDI lũy kế hơn 44,5 tỷ USD và đóng góp ngân sách năm 2024 lên tới 53.869 tỷ đồng.
Đối với Bắc Giang, những năm gần đây kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, năm 2024 tăng trưởng kinh tế tỉnh này đạt 13,85% và đứng đầu cả nước. Quý I năm nay, tỉnh Bắc Giang tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP với 14,02%. Tổng vốn FDI năm 2024 và quý I vừa qua lên tới 2,23 tỷ USD.
Với 16 khu công nghiệp, 55 cụm công nghiệp, Bắc Giang đang dần hình thành chuỗi sản xuất logistics khép kín, đặc biệt tại các huyện, thị xã giáp với Bắc Ninh như Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang.
Đối với Bắc Ninh, dù là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, nhưng lại đứng thứ 9 về quy mô kinh tế với GRDP năm 2024 đạt hơn 232.800 tỷ đồng. Riêng quý I vừa qua, tình hình kinh tế tỉnh Bắc Ninh có những khởi sắc đáng kể khi GRDP tăng 9,64% so với cùng kỳ.
Một góc Khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh.
Hiện nay, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp đã được duyệt quy hoạch với tổng diện tích gần 6.400 ha. Trong đó, 12 dự án đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 62%... tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.
Như vậy, với việc hợp nhất tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh dự kiến sẽ hình thành "siêu thủ phủ công nghiệp" của miền Bắc với những khu công nghiệp mới có quy mô lớn, tạo không gian phát triển mới hấp dẫn nhà đầu tư.
Với việc hợp nhất tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh dự kiến sẽ hình thành "thủ phủ công nghiệp" của phía Bắc với những khu công nghiệp mới có quy mô lớn, tạo không gian phát triển mới hấp dẫn nhà đầu tư.
Mới đây, Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) vào chiều 16/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết tỉnh Bắc Ninh (mới) sau sáp nhập sẽ có vai trò và vị thế rất lớn, với quy mô kinh tế đứng thứ 5 cả nước, chỉ sau TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đồng Nai.
Phó Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh mới, cơ hội mới, có những dư địa phát triển mới… tỉnh Bắc Ninh mới phải chủ động, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục bứt phá, phát triển, vươn lên, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân… Tất cả phải được thể hiện rõ ràng trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh với phướng hướng, mục tiêu, đường đi, nước bước cụ thể, rõ ràng.
H.Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)