Việc sáp nhập tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi là một trong những nội dung trọng điểm trong Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Theo đó, ngày 28/4, tại kỳ họp thứ 33 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026), các đại biểu đã thông qua nghị quyết tán thành chủ trương hợp nhất hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Tên gọi sau hợp nhất là tỉnh Quảng Ngãi; trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Quảng Ngãi sau hợp nhất tại TP. Quảng Ngại, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay. Đơn vị hành chính tỉnh Quảng Ngãi mới có diện tích là 14.832,548 km2, dân số 2.161.755 người (đạt 154,41% so với tiêu chuẩn), 96 đơn vị hành chính trực thuộc.
Một góc tỉnh Quảng Ngãi hiện tại.
Tỉnh Quảng Ngãi mới có diện tích đứng thứ 5 cả nước, xếp sau các tỉnh Lâm Đồng (24.233,1km²), Gia Lai (21.576,5km²) và Đắk Lắk (18.096,4km²) và Nghệ An (16.490,2km2).
Sau sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ có khu vực biển rộng lớn và đường biên giới giáp với Lào và Campuchia. Cụ thể, tỉnh mới sẽ có đường biên giới tiếp giáp Lào qua huyện Ngọc Hồi, Đắk Glei và giáp Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Vị trí này giúp tỉnh đóng vai trò then chốt trong giao thương quốc tế, đặc biệt là kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây từ Myanmar, Thái Lan, Lào tới biển Đông, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cửa khẩu, logistics và thương mại quốc tế.
Kon Tum nổi bật với tiềm năng về nông nghiệp, lâm sản và du lịch sinh thái, trong khi Quảng Ngãi sở hữu lợi thế về cảng biển nước sâu Dung Quất, hệ thống khu công nghiệp hiện đại và cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ. Sự kết hợp này sẽ giúp xây dựng chuỗi giá trị liên kết từ nguyên liệu tại Kon Tum, nhà máy chế biến tại Quảng Ngãi và xuất khẩu qua cảng Dung Quất, giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, việc kết nối các điểm du lịch nổi bật như Măng Đen, đảo Lý Sơn và biển Mỹ Khe sẽ tạo nên sản phẩm du lịch "rừng - biển - đảo" đầy hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong khu vực.
Hiện tại, cả Kon Tum và Quảng Ngãi đều chưa có sân bay hoạt động. Tuy nhiên, trong xu thế thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế và du lịch, hai địa phương đã đề xuất kế hoạch xây dựng sân bay trong thời gian tới. Sau khi sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi (mới) sẽ có hai sân bay được quy hoạch: một tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và một tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông (Kon Tum).
Sơ đồ định hướng không gian cảnh quan kiến trúc đảo Lý Sơn cho thấy vị trí được đề xuất xây dựng sân bay (Ảnh: UBND huyện Lý Sơn hiện tại).
Cụ thể, sân bay tại đảo Lý Sơn được đề xuất là sân bay lưỡng dụng, phục vụ mục tiêu quân sự và dân sự, đạt tiêu chuẩn cấp 4C, đủ khả năng tiếp nhận các dòng máy bay tầm trung như Airbus A320, A321. Sân bay này dự kiến có công suất khoảng 3-3,5 triệu người mỗi năm. Để phát triển dự án, Quảng Ngãi dự kiến sẽ lấn biển khoảng 127ha tạo quỹ đất mới. Hiện đề án đã nhận được sự đồng thuận tài chính của Thủ tướng Chính phủ và đang được nghiên cứu đầu tư theo hình thức BOT.
Trong khi đó, sân bay Măng Đen cũng đã được đề xuất xây dựng tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Dự án này hướng tới quy mô cấp 4C với công suất khoảng 1 triệu hành khách/năm vào năm 2030 và có khả năng mở rộng trong tương lai.
Dự án sân bay Măng Đen đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào quy mô mạng lưới mã hàng không quốc gia. Theo kế hoạch, tổng số ban đầu của sân này nằm trong khoảng 4.932 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước để giải phóng mặt bằng là 132 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư thực hiện dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP) là 4.605 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn dự kiến là 48,4 năm.
Việc đề xuất xây dựng hai sân bay tại Quảng Ngãi và Kon Tum cho thấy chiến lược rõ ràng của hai tỉnh trong việc nâng cấp hạ tầng giao thông, tạo đòn bẩy thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của địa phương.
Nếu được triển khai đúng tiến độ, hai sân bay này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng, giảm tải cho các sân bay lân cận và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)